Thời gian trước công ty anh có cô đồng nghiệp tên Hoa mới vào làm. Sự tươi tắn, duyên dáng của Hoa khiến Tùng lập tức bị thu hút. Hai người thường chuyện trò thân thiết trên công ty, tan làm về nhà cũng gọi điện, nhắn tin liên lạc. Tuy dưới danh nghĩa công việc nhưng rõ ràng họ đều biết đối phương dành sự quan tâm đặc biệt hơn bình thường cho mình.
Tùng luôn tự biện minh cho bản thân bằng việc giữa anh và Hoa chưa hề có lời nói hay hành động nào quá giới hạn. Chỉ vì họ làm việc chung với nhau nên mối quan hệ thân thiết hơn đồng nghiệp bình thường mà thôi. Do đó anh không cần cảm thấy áy náy với vợ.
Hôm đó Tùng kết thúc chuyến công tác 5 ngày trở về. Hoa đi cùng anh trong chuyến công tác ấy, hai người ở bên nhau suốt 5 ngày đó rất vui vẻ.
Khi ở địa điểm công tác Tùng đã biết vợ anh nhập viện mổ u xơ tử cung. Cô giải thích chỉ là mổ nội soi, nằm viện theo dõi khoảng 2 ngày là được xuất viện về nhà. Chính vì thế cô không cần đợi Tùng về, không muốn làm ảnh hưởng đến công việc của anh.
"Khi xuống máy bay, tôi và Hoa cùng đi một chuyến taxi về nội thành. Chiếc taxi đi qua nhà tôi trước khi tới nhà Hoa, biết vợ đang ở bệnh viện, nghĩ thế nào tôi lại mời cô ấy vào nhà uống một tách trà. Cũng bởi Hoa hiểu tôi có tài pha trà và đã nhiều lần ngỏ ý muốn được thưởng thức. Nhân lúc vợ đi vắng, ở nhà có sẵn trà và dụng cụ pha nên tôi đã mời cô ấy tới chơi…", Tùng kể.
Để Hoa ngồi trong phòng khách đợi, Tùng vào bếp đun nước pha trà. Định mở tủ lạnh nhưng những tờ ghi chú dán trên cánh cửa lập tức khiến Tùng giật mình run rẩy.
"Cá kho, sườn rim, giả cầy em làm sẵn để trên ngăn đá, anh hâm nóng là ăn được nhé!", "Canh chua em chuẩn bị sẵn nguyên liệu, anh chỉ việc cho vào nấu thôi", "Rau củ em sơ chế sạch, chia bữa để ngăn mát"... Rất nhiều ghi chú vợ Tùng để lại cho anh, nhắn nhủ anh những chuyện vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày.
"Anh nhớ ăn cơm nhà, đừng ăn quán nhé", "Yêu anh!" - đọc xong 2 tờ ghi chú ấy mà Tùng thẫn thờ không biết trong lòng mình là cảm xúc gì. Khi vào phòng ngủ, anh cũng thấy những tờ ghi chú tương tự nhắc quần áo của anh cô đã gấp gọn để ở vị trí nào, những món đồ anh hay sử dụng cất ở đâu, cô còn dặn anh nhớ đi ngủ sớm đừng thức khuya.
Trước khi nhập viện chữa bệnh mà cô vẫn có thời gian, tâm trí và sức lực để chuẩn bị chu đáo cho chồng ở nhà khi cô đi vắng. Cô cũng không cần đợi anh trở về đưa đi viện, các con cô đã gửi sang nhà bà nội, hiện tại chỉ có mẹ vợ và vợ Tùng trong bệnh viện.
Cô luôn làm mọi việc gọn gàng, chu đáo và không khiến anh phải bận lòng như thế.
"Những năm nay vợ luôn tận tụy vì chồng con và gia đình, luôn suy nghĩ cho chồng nhưng tôi đáp lại cô ấy vẫn chưa xứng đáng. Từ chuyện ăn, mặc, nghỉ ngơi hàng ngày của tôi đều một tay vợ lo liệu, hàng tháng tôi chỉ biết đưa tiền lương cho cô ấy là nghĩ rằng mình đã hoàn thành trách nhiệm của người đàn ông.
Tôi thật sự vẫn vô tâm quá, ấy vậy mà trong lúc vợ ở bệnh viện còn có tâm trạng đưa người phụ nữ khác về pha trà cho cô ta uống. Dù hiện tại chúng tôi chưa có điều gì mờ ám nhưng cứ cái đà này nếu không tự kiểm điểm lại bản thân thì chuyện tương lai cũng thật khó nói trước...", Tùng tâm sự.
Tối hôm đó Tùng nhanh chóng tiễn cô đồng nghiệp về sau khi chỉ mời cô ta được cốc nước lọc. Anh lập tức vào viện thăm vợ và ở bên cô cả đêm hôm ấy. Tùng hiểu một điều vợ anh nói không muốn chồng bận lòng nhưng rõ ràng nếu anh vắng mặt những lúc cô khó khăn, bệnh tật thì chắc chắn cô sẽ cảm thấy chạnh lòng, tủi thân.
Thật may mắn là Tùng đã giật mình tỉnh ngộ và uốn nắn lại bản thân trước khi mọi chuyện đi quá xa. Vợ anh có thể tận tụy, hy sinh vì chồng con nhưng chắc chắn phải với điều kiện anh một lòng chung thủy với cô và tròn trách nhiệm với gia đình .
Một khi anh "trật đường ray" thì cô cũng sẵn sàng quay lưng. Bởi người đàn ông phản bội không bao giờ xứng đáng nhận được sự đối đãi toàn tâm toàn ý từ người vợ. Mong rằng mọi người đàn ông đều sẽ biết trân trọng cô vợ tốt bên cạnh, không bao giờ phải hối hận thốt lên hai chữ “giá như”.