Financial Times mới đây dẫn lời các quan chức giấu tên đang làm việc cho cuộc hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản cho biết, đề xuất của Mỹ về lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu sang Nga đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Nhật Bản và các thành viên EU.
Theo đó, một dự thảo tuyên bố được chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài ba ngày tại Hiroshima vào tháng 5 tới đã đề cập đến ý tưởng nhằm tăng nặng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Trong đó có đề xuất táo bạo nhằm thay thế các hình phạt theo từng lĩnh vực hiện tại đối với Moscow bằng lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn, mặc dù có miễn trừ đối với các lĩnh vực như nông nghiệp và các sản phẩm y tế.
Mỹ được cho là đang thúc đẩy ý tưởng trong bối cảnh lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại có kẽ hở cho phép Moscow tiếp tục nhập khẩu công nghệ từ phương Tây.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp từ Nhật Bản và các quốc gia thành viên EU được cho là đã đề xuất trong một cuộc họp trù bị vào tuần trước rằng biện pháp này là không thể.
“Theo quan điểm của chúng tôi, điều đó đơn giản là không thể thực hiện được” - một quan chức giấu tên nói với Financial Times.
Đối với Nhật Bản, trường hợp cấm vận mọi hàng hóa được xuất khẩu sang Nga sẽ là một tổn thất. Theo hãng tin Kyodo, một khi G7 thông qua phương án trừng phạt toàn bộ nhằm vào Nga, hàng loạt doanh nghiệp ở Nhật Bản sẽ chịu thiệt.
Hàng năm, các doanh nghiệp Nhật Bản đã xuất khẩu xe hạng sang và xe ô tô cũ đã qua sử dụng sang Nga.
Kế hoạch mới nhất có thể mở rộng lệnh cấm vận thương mại đối với ô tô, lốp xe, mặt hàng mỹ phẩm và quần áo đã qua sử dụng, Kyodo đưa tin.
Theo các phương tiện truyền thông khác của Nhật Bản, Tokyo lo ngại rằng đề xuất cấm xuất khẩu ô tô cũ sang Nga có thể gây ra hiệu ứng domino, gây thiệt hại cho các nền kinh tế và doanh nghiệp Nhật Bản trong khu vực ngoài lĩnh vực ô tô.
Một lệnh cấm vận tiềm năng có thể dẫn đến việc giảm nhu cầu đối với các phương tiện của Nhật Bản, từ đó sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm do sản xuất giảm. Ngành công nghiệp ô tô hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản, chẳng hạn như nhà cung cấp phụ tùng, đại lý và trung tâm dịch vụ, tất cả đều có thể bị ảnh hưởng.
Theo thông tin được Bloomberg chia sẻ trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hối thúc các đồng minh ở G7 thảo luận về khả năng cấm hoàn toàn hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Nga như một phần của chương trình nghị sự rộng lớn hơn nhằm thắt chặt áp lực kinh tế. Kể từ tháng 2/2022, riêng EU đã áp dụng 10 gói trừng phạt chống Nga nhằm đáp trả hoạt động quân sự của Moscow tại Ukraine.
Cuối tuần trước, một quan chức cấp cao của EU nói với các phóng viên ở Brussels rằng, khả năng về lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn sang Nga đã được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng G7 mới nhất ở Nhật Bản.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo về kiểu lệnh trừng phạt toàn bộ này, cho rằng nó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu toàn diện.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, Dmitry Medvedev, gợi ý rằng Moscow có thể sẽ đáp trả trừng phạt bằng việc từ bỏ thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.
“Ý tưởng của G7 về lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu sang nước chúng tôi là tuyệt vời. Ở chỗ nó cũng ngụ ý chấm dứt sự có đi có lại trong quan hệ với Nga, bằng việc xuất khẩu từ nước chúng tôi trong các danh mục nhạy cảm nhất đối với G7. Trong trường hợp này, thỏa thuận ngũ cốc và nhiều thứ khác mà họ cần sẽ kết thúc” - ông Medvedev bình luận.