Theo bà Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được Bộ Y tế giao cho Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với các chuyên gia trong nước và Trường Đại học Y tế công cộng Rennes – Pháp xây dựng.
Quá trình xây dựng các chương trình đào tạo này đã được thực hiện công phu, bài bản với nhiều lần hội thảo xin ý kiến góp ý của cán bộ quản lý y tế như lãnh đạo Vụ, cục của Bộ Y tế, các Sở Y tế, các bệnh viện và các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước; đồng thời có sự tham vấn của các chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế. Chương trình đã được Bộ Y tế thẩm định vào tháng 8/2017 và cho phép triển khai từ năm 2018.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Bùi Thị Thu Hà trao chứng chỉ cho các học viên khoá VII |
Đối tượng tham dự các khóa học bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm, cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế; Giám đốc/phó giám đốc Bệnh viện và cán bộ quy hoạch lãnh đạo Bệnh viện.
Đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức được 8 khóa đào tạo cho đối tượng lãnh đạo quản lý với tổng số 1.270 học viên được đào tạo. Các học viên đã hoàn thành các nội dung lý thuyết và thảo luận trên lớp, đi thực tế tại các cơ sở y tế của tỉnh, thực hiện áp dụng tại cơ quan công tác và chia sẻ kết quả áp dụng với giảng viên và học viên toàn khóa.
Trực tiếp giảng bài tại lễ khai giảng khoá IX Chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra những yêu cầu cơ bản về khả năng của nhà quản lý ngành y tế gồm các yếu tố nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư, công nghệ thông tin, kỹ năng quản lý và phương pháp quản lý. Trong đó, đối với kỹ năng quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh đến các yếu tố về quản lý bản thân như sức khỏe, stress, thời gian, kiên trì; Quản lý truyền thông, xử lý khủng hoảng truyền thông; các yếu tố về quan hệ xã hội, quan hệ cá nhân...
Các học viên tốt nghiệp xuất sắc nhận bằng khen |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đưa ra nội dung đổi mới chính sách y tế ở Việt Nam. Mục tiêu hướng tới của ngành y tế là sự bảo đảm để mọi người dân khi cần đều có thể sử dụng các dịch vụ nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ có chất lượng và hiệu quả, đồng thời bảo đảm rằng việc sử dụng các dịch vụ này không gặp phải khó khăn tài chính.
Cùng với việc đổi mới chính sách y tế tại Việt Nam là chương trình Sức khoẻ Việt Nam và Đề án y tế cơ sở. Tập trung truyền thông, chăm sóc sức khoẻ cho người dân từ khi còn khoẻ và nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người dân được tiếp cận với chăm sóc sức khoẻ ngày càng có chất lượng cao ngay tại cơ sở.
Liên quan đến người bệnh, cần đổi mới chính sách y tế tại Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong y tế; quyết liệt xây dựng bệnh viện xanh- sạch- đẹp, đổi mới phong cách phục vụ để người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đến khám chữa bệnh. Cùng với đó, ngành y tế thực hện đổi mới về đào tao nhân lực y tế, đổi mới về tài chính y tế, phát triển hạ tầng và trang thiết bị y tế, phát triển công nghệ thông tin, cung ứng thuốc- vắc xin và đẩy mạnh hội nhập y tế quốc tế - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt nhấn mạnh.