Mối lo ở đất nước tỷ dân

GD&TĐ - Trong ngày 5/4, lần đầu tiên trong nhiều tháng qua Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 vượt ngưỡng 100 nghìn và trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới hiện nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang có số ca mắc mới cao đột biến trong vòng hai tháng qua.

Theo công bố của Bộ Y tế Ấn Độ, với 103 nghìn ca mắc mới, hôm 5/4 đã nâng tổng số người dương tính với Covid-19 ở nước này từ đầu dịch lên 12,6 triệu.

Trước đó, kỷ lục ca mắc mới của nước này trong một ngày là 97 nghìn người. Tình hình dịch tại đây đã giảm dần từ tháng 9/2020 do thắt chặt phong tỏa. Nhưng từ tháng 2 năm nay, diễn biến dịch tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới lại căng thẳng trở lại khi nền kinh tế được tái mở cửa.

Tâm dịch của Ấn Độ hiện nay là bang Maharastra, nơi mỗi ngày đang có thêm hơn 50 nghìn ca mắc mới. Một trong những lý do chính khiến dịch ngày càng xấu đi tại bang này cũng như khắp Ấn Độ là do người dân chưa coi trọng biện pháp đeo khẩu trang, bất chấp khuyến cáo của chính quyền và chuyên gia y tế.

Bên cạnh đó, các biến thể của virus có tốc độ lây lan nhanh gấp nhiều lần cũng khiến dịch bệnh dễ dàng phát tán ở quốc gia có mật độ dân số dày đặc như Ấn Độ.

Để tránh sự sụp đổ của hệ thống y tế, Chính phủ Ấn Độ cho tái áp dụng các biện pháp phong tỏa như đóng cửa các cơ sở không thiết yếu từ đêm 5/4, gồm các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, cơ sở tôn giáo, nhà hàng…

Nhiều khả năng đến cuối tuần này, nước này sẽ phải ban bố giãn cách xã hội toàn quốc. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang tăng tốc chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân với hơn 3 triệu mũi mỗi ngày, nhằm hướng tới mục tiêu tới tháng 8/2021 sẽ tiêm phòng cho 300 triệu người.

Trong khi đó tại nước láng giềng Trung Quốc, tuy số ca nhiễm mới là quá nhỏ so với Ấn Độ nhưng vẫn được coi là đột biến. Do một thành phố nhỏ ở tỉnh Vân Nam nằm giáp biên giới Myanmar bị bùng dịch, hôm 4/4 Trung Quốc đã ghi nhận 32 người dương tính với virus, con số cao nhất kể từ đầu năm nay. Đa số bệnh nhân mới tại đây đều có nguồn gốc lây nhiễm từ Myanmar.

Nhờ chủ động được nguồn cung vắc-xin nội, Trung Quốc đang là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng ngừa Covid-19 cho người dân.

Đất nước tỷ dân này đặt kỳ vọng sẽ tiêm chủng cho 70% đến 80% dân số vào giữa năm 2022, tương đương 900 triệu đến 1 tỷ người và đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng với Covid-19.

Tuy nhiên, do dân số quá lớn nên chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc đang gặp thách thức không nhỏ. Hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của nước này mới chỉ đạt 4% dân số và Bắc Kinh đang đốc thúc mọi nguồn lực để đạt con số 40% vào tháng 7 tới. Các điểm du lịch trọng điểm và khu vực giáp biên đang được Trung Quốc ưu tiên triển khai tiêm phòng.

Trong khi đó, với sự chủ động và nhất quán từ sớm về tiêm vắc-xin nên Israel đang tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới trong hoạt động này. Kể từ khi bắt đầu tháng 12/2020, hiện Israel đã hoàn thành việc tiêm hai mũi vắc-xin cho hơn một nửa trong tổng số 9 triệu dân nước mình, đạt tỷ lệ mà các nước khác sẽ phải mất hàng năm. Nhờ kỳ tích này, các hoạt động kinh tế - xã hội tại Israel hiện nay gần như đã trở lại bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.