Mỗi giáo viên là một nhà tư vấn tâm lý học đường

GD&TĐ - Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) là một mô hình giáo dục đặc biệt ở Việt Nam khi không chọn lọc đầu vào và có những phương pháp giáo dục khiến học sinh thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng
Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng

Hỏi thầy Hiệu trưởng – TS Nguyễn Tùng Lâm – một chuyên gia tâm lý, rằng thầy có áp dụng các nghiên cứu tâm lý vào quản lý nhà trường không? Thầy cười hiền: Có chứ, nhiều là đằng khác!

Khuyên nhủ học sinh suy ngẫm tự thay đổi mình

Một “đặc sản” chỉ ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng mới có là cuốn “Sổ tay học sinh”. Đây là cuốn sổ mỗi học sinh tự theo dõi tiến độ học tập, bảng điểm, thời khóa biểu, cùng đó biết được về văn hóa phát triển của nhà trường, phong cách học sinh, đánh giá kết quả học sinh từ giáo viên, cam kết của cha mẹ học sinh, các hình thức thưởng – phạt của Hội đồng kỷ luật, quyền của học sinh…

Cuốn sổ hơn 50 trang liên kết ba bên: học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh có nội dung dễ nhớ với những mục đọc lên thấy vô cùng gần gũi tình cảm. Như nội dung “5 điều suy ngẫm để tự thay đổi mình”.

Thầy Tùng Lâm chia sẻ rằng: Tôi muốn thủ thỉ với các em chứ không đao to búa lớn. Mình lúc đó như một người bạn lớn của học sinh vậy. Mình sẽ hỏi học sinh 5 điều thôi: Nêu vắn tắt sự việc đã xảy ra, những thiếu sót đã mắc phải; Việc là đó tác hại như thế nào với bản thân, với người khác? Nguyên nhân nào dẫn đến hành vi đó. Sau sự việc này em có rút ra được bài học gì cho bản thân không? Em có điều gì muốn mọi người thông cảm chia sẻ cho việc làm của mình, nếu được tự phê phán những việc đã làm? Theo em có thể chấm dứt được việc xảy ra với em không?

Mỗi lần trả lời một câu hỏi, học sinh lại có thời gian để lắng lại suy nghĩ, bình tĩnh nhìn nhận lại sự việc.  

Giáo dục kỷ luật tự giác

Thầy Tùng Lâm rất trăn trở khi đề cập đến một trong những thiếu sót của giáo dục để lại những hệ lụy và tiếng tăm không tốt là những ứng xử trong nhà trường. Xã hội nói nhiều đến vấn đề ứng xử khi phạt học sinh. Ở trường Đinh Tiên Hoàng có một chương trình giáo dục kỷ luật tích cực, chú trọng giáo dục kỷ luật tự giác, tạo cho học sinh tự nhận thức về cái đúng, dần thành thói quen, và ứng xử có văn hóa.

Thầy Tùng Lâm đặt ra 5 nguyên tắc ứng xử với giáo viên: Thứ nhất, phải biết chấp nhận mọi mặt mạnh, mặt yếu của học sinh, không được chê bai học sinh; Thứ hai, phải khách quan đánh giá, không được mang thành kiến với học sinh; Thứ ba, cho học sinh được lựa chọn những hình thức giáo dục phù hợp, không cứng nhắc với học sinh; Thứ tư, phải giáo dục bằng tập thể, dùng tập thể để giáo dục học sinh; Thứ năm, phải biết theo nhu cầu và tổ chức cho học sinh thực hiện nhu cầu giáo dục đó theo từng bước.

Học sinh trường Đinh Tiên Hoàng được phép lựa chọn hình thức kỷ luật cho những sai phạm của mình, lựa chọn thời gian để thực hiện kỷ luật phù hợp với mình. Thầy Tùng Lâm luôn khuyên giáo viên không nên vội vàng nếu chưa có phương án để giáo dục học sinh. Một số giáo viên hay nóng ruột, học sinh phạm lỗi là muốn “hành” học sinh ngay. Nhưng thầy Tùng Lâm luôn nói: Nếu chưa có phương pháp thấu đáo, có thể cho học sinh nợ để có thời gian suy nghĩ; giáo viên cũng có thời gian để bình tĩnh, không nóng vội, cáu gắt, xử lý mọi việc khách quan.

Ví dụ học sinh sau Tết hay nhuộm tóc, có giáo viên cho đuổi học sinh ngay, bắt học sinh về nhuộm lại tóc ngay. Tuy nhiên, thầy Tùng Lâm lại linh hoạt cho học sinh nợ 1-2 hôm. Thầy nghĩ đến tâm lý của học sinh, có tóc mới cũng muốn khoe với bạn. Sau thời gian “nợ”, trường nghiêm khắc yêu cầu học sinh nhuộm lại tóc. Khoảng “nợ” đó là độ “giãn” để các em nhận thức được việc cần thiết phải làm.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng
Thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng

Khơi gợi bản lĩnh sống và trách nhiệm của học sinh

Cách quản lý cho học sinh được lựa chọn hình thức kỷ luật, có độ lùi để học sinh có tiến độ để tiến bộ chính là những cách vận dụng tâm lý học trong quản lý giáo dục của thầy hiệu trưởng Tùng Lâm. Thầy quan niệm giáo viên chủ nhiệm là một “hiệu trưởng con”, là người nắm toàn bộ khâu quản lý học sinh của lớp, phải theo sát học sinh để dạy các em giá trị sống, kỹ năng sống. Giáo viên chủ nhiệm cũng là một chuyên gia tâm lý, nắm bắt ngay những vụ việc, tâm tư tình cảm của học sinh, từ đó kịp thời có những hỗ trợ, giúp đỡ cho các em.

Trường Đinh Tiên Hoàng có phòng tư vấn học đường với 3 chuyên gia tâm lý. Nếu “ca” nào khó sẽ phối hợp với phòng tư vấn để giúp học sinh tiến bộ. Trường hợp khó hơn thì Hiệu phó xử lý. Trong cuộc họp giao ban, khi thấy có những trường hợp đặc biệt, thầy Tùng Lâm sẽ nêu cụ thể để các thầy cô chuẩn bị hồ sơ, đưa học sinh đến gặp, trao đổi trực tiếp với thầy hiệu trưởng.

Hỏi thầy có “ca” nào mà thầy phải bó tay không? Thầy cười: Ít lắm, đa số các em sau khi chia sẻ, tâm sự, được thầy cô phân tích thiệt hơn đều học tập tích cực hơn, biết thương bố mẹ. Vẫn nhớ cách đây chục năm, trường hợp một học sinh lớp 11, gia cảnh khó khăn, nhà chỉ có hai mẹ con mà chơi bời bán cả xe đi, bỏ bê việc học. Trường hợp này, chiếu theo quy định của nhà trường là phải đuổi học.

Hôm đó hai mẹ con học sinh và cô chủ nhiệm cùng lên gặp thầy Hiệu trưởng. Nắm bắt tâm lý tuổi mới lớn và tình cảm của cậu học trò với mẹ. Thầy không bàn chuyện đuổi học, mà nhẹ nhàng phân tích cho học sinh biết được điều đúng đắn và để cho học sinh về suy nghĩ.

Hôm sau, cậu học trò này gặp cô giáo chủ nhiệm, quyết tâm nói: Em xin hứa em sẽ thay đổi. Và cậu đã làm được rất tốt, thi đỗ hai trường đại học, đi Úc học thạc sĩ và về Việt Nam làm giám đốc một công ty thép. Hôm kỷ niệm trường mới đây, cậu học sinh đến chào thầy Hiệu trưởng, câu đầu tiên nói: Thầy ơi, mẹ em đã khỏe rồi thầy ạ!

Thầy Tùng Lâm kể lại câu chuyện mà cười vui hạnh phúc. Với thầy, trong nhà trường, giáo dục học sinh, dẫn dắt bằng tâm lý, khơi gợi bản lĩnh sống và trách nhiệm của học sinh... là cách giáo dục hiệu quả hiệu quả nhất.

"Trong mọi sự vụ, tôi luôn xem xét điều đầu tiên là thái độ, cách ứng xử của giáo viên đã đúng chưa. Có 3 chữ Lý luôn luôn nhắc giáo viên chú ý: Một là biểu hiện tâm lý, tâm tư, tình cảm của học sinh; Hai là công tác quản lý của giáo viên đã đủ chưa; Ba là pháp lý – khung xử lý việc này đã chặt chẽ chưa, có gì phải gia giảm." - Thầy Tùng Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.