Mỗi cá nhân cần nỗ lực để “gia đình là nơi tình yêu không bao giờ kết thúc”...

GD&TĐ - Gia đình là tế bào của xã hội, nơi mỗi người được sinh ra, nuôi dạy, chăm sóc và trưởng thành. Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để mỗi thành viên cùng hướng về những người thân yêu, cùng cố gắng để “gia đình là nơi tình yêu không bao giờ kết thúc”...

Phong cách sống của cha mẹ ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách và thành bại của mỗi cá nhân (Ảnh minh họa: Internet)
Phong cách sống của cha mẹ ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách và thành bại của mỗi cá nhân (Ảnh minh họa: Internet)

Thảng thốt tiếng kêu thương

Hai tiếng “gia đình” luôn hàm chứa bao ý nghĩa tốt đẹp nhưng có một nghịch lý mà dường như cả thế giới đang phải đau đầu suy nghĩ: Xã hội càng phát triển đi lên thì đạo đức, trong đó có đạo đức ứng xử trong gia đình, lại “cài số lùi” và có nguy cơ “mất phanh hãm”. Thực trạng ấy, ở nước ta cũng không là ngoại lệ.

Những năm gần đây, ngày càng gia tăng những câu chuyện buồn trong quan hệ gia đình, trong cách ứng xử giữa các thành viên là ông bà, cha mẹ với con, cháu và ngược lại.

Là ông bà, lẽ ra phải “hy sinh” cho con, cháu thì lại có nhiều trường hợp tranh chấp nhà đất, quyền lợi với thệ hệ hậu sinh.

Là cha mẹ, lẽ ra phải “quên mình” để nuôi dạy con, thì lại có không ít trường hợp đưa đẩy trách nhiệm; có trường hợp còn táng tận lương tâm, xâm hại cả thân thể và đe dọa tính mạng con em mình.

Trong “vai” anh em, con cháu cũng có không ít chuyện tồi tệ: Chửi bới, đánh đuổi, thậm chí đoạt mạng cha mẹ; rồi chuyện anh em tranh giành lẫn nhau, tuyệt giao với nhau… chỉ vì quyển “sổ đỏ”, vì quyền thừa kế ngôi nhà, vì chia chác những quyền lợi vật chất khác…

Trong những ngôi nhà tưởng như chỉ có tình thường, chỉ có sự ấm êm, đã xuất hiện không ít rạn nứt trong suy nghĩ, quan hệ đưa đến những cách hành xử thiếu tình người, thậm chí mất nhân tính. Đó thực sự là “tiếng kêu đứt ruột” của những người có lương tri.

Đây không chỉ là câu chuyện “cháy nhà hàng xóm”, nếu cứ thờ ơ, chưa biết chừng nó sẽ lan sang nhà mình, lan rộng ra nhiều gia đình khác. Cho nên, nói là chuyện gia đình nhưng không hoàn toàn bó hẹp trong một gia đình cụ thể, mà nó cần được mọi người, mọi nhà và toàn xã hội quan tâm.

Để gia đình thực sự là tổ ấm

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2019 là “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Đây là chủ đề có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện đại, ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là văn hóa ứng xử trong gia đình.

Trên thực tế đời sống, việc xây dựng một gia đình có nền nếp, ấm êm chính là xây dựng gia phong, thể hiện lễ nghĩa (tiếp thu tinh hoa truyền thống và hiện đại). Khi con người được giáo dục tốt về lễ nghĩa, sống có lễ nghĩa thì sẽ có ý thức bồi dưỡng tình cảm và hành vi hợp với vị trí của mình cả trong gia đình và xã hội.

Biết sống có lễ thì sẽ giữ được tình cảm thích hợp (mực thước), không thái quá để tránh những bất cập trong tư tưởng, từ đó, không thiên lệch trong hành động. Sống có lễ giúp cho việc cư xử có trật tự, có trên dưới, làm cho gia đình, xã hội có nền nếp, thuận hòa.

Cái riêng, cái tôi của một thành viên trong gia đình được hun đúc từ huyết thống gia đình, chịu ảnh hưởng của truyền thống dòng họ, truyền thống dân tộc. Do đó, mỗi người không bao giờ tách rời khỏi mối quan hệ với gia đình. Ý thức được điều đó, mọi người sẽ luôn phấn đấu để là một thành viên tốt của gia đình.

Cho đến nay, những ảnh hưởng của lễ giáo từ trong truyền thống vẫn còn rất rõ nét, vấn đề mỗi người Việt Nam phải biết tiếp thu, cải biến nó để phù hợp với hoàn cảnh đất nước, tính cách, lối sống và sinh hoạt của cộng đồng thời hiện đại. Đó còn là sự giao lưu văn hóa, thể hiện những nét tương đồng về bản chất xã hội của con người.

Gia đình sinh ra con người, và ở góc nhìn khác, chính con người làm nên gia đình. Tổ quốc bắt đầu từ gia đình, hơn thế, cả xã hội loài người tiến bộ cũng bắt đầu từ gia đình.

Mối quan hệ hữu cơ nhiều chiều ấy càng cho thấy vai trò quan trọng của gia đình mà mỗi người phải góp công xây đắp, để gia đình thực sự là tổ ấm, là chỗ dựa trong suốt cuộc đời mỗi cá nhân và là “tế bào” khỏe mạnh của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ