Mohamed Salah: “Vua không ngai” ở Ai Cập

GD&TĐ - Chỉ là một cầu thủ bóng đá nhưng Mohamed Salah có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Ai Cập. Anh đã làm được điều không tưởng là mang lại sự thống nhất cho xứ sở kim tự tháp...

Tiền đạo người Ai Cập trở thành cầu thủ không thể thiếu của Liverpool.
Tiền đạo người Ai Cập trở thành cầu thủ không thể thiếu của Liverpool.

“Đấng cứu thế” của người Ai Cập

Ở châu Phi, người Ai Cập từng chạnh lòng vì không sở hữu những ngôi sao xuất chúng như Didier Drogba (Bờ Biển Ngà) hay Samuel Eto"o (Cameroon). Nhưng rồi sự xuất hiện của Mohamed Salah đã thay đổi tất cả.

Từ một cầu thủ vô danh ở El Mokawloon, Salah đã trải qua hành trình rất dài để trở thành ngôi sao lớn của Liverpool và bóng đá thế giới.

Cho tới nay, người Ai Cập vẫn còn nhắc tới khoảnh khắc vĩ đại của Salah vào Chủ nhật ngày 8/10/2017. Hôm đấy, tuyển Ai Cập tiếp đón Congo với mục tiêu giành chiến thắng để đoạt vé dự VCK World Cup 2018. Đó là trận đấu giàu cảm xúc bởi Salah đã ghi bàn giúp Ai Cập vượt lên dẫn trước ở hiệp 2 nhưng lại bị đối thủ gỡ hòa ở thời điểm cuối trận.

Nhưng vào phút bù giờ thứ 4, Salah đã trở thành người hùng khi thực hiện cú sút 11m lạnh lùng giúp đội bóng xứ sở kim tự tháp giành chiến thắng. Vậy là họ đã có vé dự VCK World Cup lần đầu tiên kể từ năm 1990.

Trong 8 bàn thắng mà Ai Cập ghi được ở vòng loại, Salah đã góp 5 bàn. Anh được ví như “đấng cứu thế” của người Ai Cập. Cả xứ sở kim tự tháp chìm trong không khí lễ hội. Cả triệu người đổ ra đường phố để ăn mừng. Và cái tên “Salah” được hát vang suốt cả đêm hôm đó.

Càng ngày, Salah càng in sâu vào cuộc sống của người dân Ai Cập. Anh đã trở thành biểu tượng của biết bao thế hệ trẻ. Không biết bao nhiêu cửa hàng ở Cairo đã ăn lên làm ra chỉ bằng cách dựng một bức ảnh lớn hoặc tượng sáp của Salah để khách hàng chụp ảnh.

Người Ai Cập bay đến xứ sương mù để xem Salah thi đấu ngày càng nhiều, khiến Liverpool phải sản xuất riêng một chiếc áo với tên Salah bằng tiếng Ả Rập.

Tầm ảnh hưởng của Salah vượt qua cả sân cỏ. Anh đã trở thành gạch nối thống nhất quốc gia vốn ở giai đoạn bất ổn về chính trị. Anh thậm chí còn làm được điều mà các chính trị gia đều bó tay là thống nhất Trung Đông.

Không chỉ người Ai Cập, người Morocco, Tunisia, Ả-rập Xê-út, Kuwait, UAE hay Oman đều yêu mến và muốn sở hữu một chiếc áo đấu của ngôi sao Liverpool.

Ở Ai cập, người ta gọi Salah là “Vị vua không ngai”. Chẳng là vào năm 2014, ở cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập, Salah không liên quan tới chính trị nhưng lại là người về đích thứ 2 với 5% số phiếu, chỉ kém ông Abdul Fattah al-Sisi, người đã giành chiến thắng với số phiếu áp đảo là 92%.

Tất nhiên, lá phiếu dành cho Salah là không hợp lệ nhưng nó đủ cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của anh ở xứ sở kim tự tháp.

Lời từ chối đầy nhân văn

Mohamed Salah: “Vua không ngai” ở Ai Cập ảnh 1
Hình ảnh Mohamed Salah in đậm vào cuộc sống của người dân Ai Cập.

Ở Ai Cập, người ta có thể ngồi cả ngày để kể những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Salah. Đó là cả một hành trình dài bắt đầu từ ngôi làng có tên Nagrig, nơi mà các cậu bé phải làm thêm từ sớm để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Salah không phải là trường hợp ngoại lệ. Anh rất hâm mộ và mơ ước trở thành ngôi sao lớn như Zidane, Ronaldo hay Totti nhưng

Nagrig không có lò đào tạo bóng đá. Thậm chí, Salah và đám bạn phải thỏa niềm chơi bóng bằng những quả bóng được tết bằng những chiếc tất.

Cuộc đời của Salah có lẽ trôi qua bình lặng như những đứa trẻ ở Nagrig nếu không có sự xuất hiện của một tuyển trạch viên tự do. Cậu bé tóc xoăn lập tức được đưa tới thành phố Tanta gần đó. Nhưng phải tới khi đầu quân cho Arab Constractors, Salah mới bắt đầu có định nghĩa rõ ràng về sự nghiệp.

Thử thách lớn nhất với cậu bé là khoảng cách quá xa. Mỗi ngày, Salah phải bắt 3 hay 4, thậm chí 5 chuyến xe bus từ lúc 9 giờ sáng để kịp tới sân vào lúc 2 giờ chiều, tập luyện tới 6 giờ và về nhà vào lúc 10 rưỡi tối.

Từ Arab Contractors, tài năng của Salah nhận được sự chú ý của Basel. Tới năm 2012, anh được mời sang Thụy Sĩ thử việc trong một tuần trước và được kí bản hợp đồng 4 năm. Sự nghiệp sau đó của Salah cũng đầy thăng trầm cho tới khi anh đặt chân tới Liverpool và thăng hoa cùng HLV Jurgen Klopp.

Trải qua hành trình dài gian khổ, Salah luôn nhận được sự ủng hộ từ người dân làng Nagrig. Đấy là một trong những động lực và sự khích lệ rất quan trọng để cậu bé tóc xù ngày nào trở thành người hùng của đất nước Ai Cập. Vì vậy, trong mọi suy nghĩ, Salah luôn hướng về Nagrig và đất nước thân yêu của mình.

Còn nhớ, sau khi đưa Ai Cập tới VCK World Cup 2018, Salah đã được một tỷ phú trong nước tặng một căn biệt thự xa hoa. Nhưng ngôi sao của Liverpool đã từ chối. Anh xin quy đổi thành tiền để giúp đỡ người dân quê nhà. Đấy là lời từ chối mang đầy giá trị nhân văn, khiến Salah ngày càng trở nên "vĩ đại" trong lòng người dân Ai Cập.

Nếu hỏi bất cứ ai ở Nagrig về đức tính quý giá nhất của Salah, họ sẽ nói đó là sự khiêm nhường và tốt bụng. Có lần, nhà Salah bị trộm 1.250 bảng. Nhưng sau khi bắt được tên trộm, ngôi sao của Liverpool đã tha thứ thay vì giao nộp cho cảnh sát. Thậm chí có người còn kể rằng, Salah đã tìm cho tên trộm một công việc để từ bỏ thói đạo chích.

Những câu chuyện về Salah thì nhiều vô kể nhưng đa phần là truyền miệng nhau nên sự thật đến đâu vẫn là dấu hỏi. Tuy nhiên, giống như các vị thần trong tôn giáo, họ cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng để hướng người ta đến những giá trị tốt đẹp hơn. Ở Ai Cập, Salah là người như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.