Dừng mỏ sắt Thạch Khê vì nguy cơ thảm họa môi trường

GD&TĐ - Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH - ĐT) vừa kiến nghị Thủ tướng dừng dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, đóng cửa mỏ vì không bảo đảm hiệu quả kinh tế và tránh nguy cơ một thảm họa môi trường.

Dừng mỏ sắt Thạch Khê vì nguy cơ thảm họa môi trường

Nguy cơ hoang mạc hóa, cạn kiệt nước ngầm

Năm 2007, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy thép trong nước, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập ngày 17 - 5/2007 gồm 9 cổ đông với vốn điều lệ là 2.400 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là cổ đông chủ lực.

Năm 2009, Công ty TIC bắt đầu thử nghiệm khai thác lộ thiên bằng thiết bị cơ giới. Vị trí khai trường đầu tiên được chọn tại xã Thạch Đỉnh, đổ thải tại xã Thạch Bàn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, năm 2011 hoạt động khai thác mỏ Thạch Khê tạm dừng sau khi đã bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3, tạo ra một moong mỏ có kích thước rộng 0,6 x 1,0km, sâu hơn 30m và một bãi thải dạng đồi với độ cao 50m, chiếm diện tích 125ha.

Năm 2016, moong mỏ trở thành một hồ nước lớn, nếu bơm với công suất 2.500m3/h thì 2 tháng mới tát cạn hồ này.

GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Hội Địa hóa Việt Nam cho biết, toàn bộ thân quặng sắt của mỏ Thạch Khê đều nằm dưới mực nước biển, từ 40m đến độ sâu âm >500m, và dưới mực nước ngầm của cồn cát ven biển Hà Tĩnh.

Khi mở moong lộ thiên, một mặt, nước ngầm từ khu vực xung quanh mỏ tự vận động về phía moong mỏ, đồng thời nước do mưa cũng tạo dòng chảy mặt đổ vào đây, làm cho moong mỏ lúc nào cũng chứa nhiều nước.

Khai thác quặng sắt nằm sâu trong lòng đất tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tại vùng than Quảng Ninh, moong mỏ khai thác than lộ thiên Cọc Sáu cũng mới chỉ xuống sâu đến trên dưới 300m. Tại mỏ sắt Thạch Khê quặng nằm đến độ sâu âm 500m và hơn nữa, công nghệ khai thác kiểu mỏ này chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nhiều khó khăn và rủi ro có thể xảy ra.

Ngoài ra, quặng nằm trong tầng đá skarn và đá vôi, có thể có các hang động karstơ ngầm tích nước, tiềm ẩn nguy cơ bục nước. Khối lượng chất thải từ “đại công trường” mỏ sắt Thạch Khê đổ ra môi trường xung quanh là rất lớn, gồm nước thải mỏ và đất đá thải.

Nguy cơ nhiễm mặn và hoang mạc hóa vùng ven biển Thạch Hà. Nếu đào moong sâu xuống hàng trăm mét, mở rộng mỏ lên gấp 4 - 5 lần để khai thác quặng và bơm hút tháo khô moong mỏ thì nước mặn từ biển Đông và từ phía sông Hạ Vàng sẽ xâm nhập vào và dần thay thế khối nước ngọt trong đất cồn cát.

Hệ quả tiếp theo là đất bị nhiễm mặn, thảm thực vật tự nhiên và cây trồng ở đây sẽ tàn lụi dần và hệ sinh thái vốn có sẽ không còn tồn tại nữa. Đất cồn cát ven biển Thạch Hà sẽ trở thành một vùng hoang mạc.

Thiệt hại khó lường

Bà Bùi Thị Minh, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Tĩnh cho rằng, nếu không xem xét các yếu tố về kinh tế, đầu tư, quy hoạch từ góc nhìn khoa học có thể thấy, dự án Thạch Khê có thể ảnh hưởng sâu đến một số vấn đề: Thứ nhất, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê hiện nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề môi trường sinh thái trong tương lai như gia tăng hiện tượng cát bay, cát chảy, hàng chục ha đất nông nghiệp bị bùn, cát vùi lấp, phá vỡ hệ sinh thái đặc biệt là hiện tượng tụt mạch nước ngầm của các vùng phụ cận khiến cây cối, hoa màu chết khô; ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, nguồn vốn và năng lực nhà đầu tư còn yếu, công nghệ đưa ra chưa phù hợp cho việc khai thác ở độ sâu -500m sẽ dẫn tới những rủi ro trong khai thác về vỡ moong, chưa tính đến các yếu tố liên quan như bão, sóng thần sẽ gây hậu quả về môi trường khôn lường.

Thứ ba, việc khai thác kéo dài không khả thi đã ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đặc biệt, việc xây dựng bãi thải lấn biển không khả thi ảnh hưởng sâu đến vùng dự án. Hơn 10 năm triển khai dự án, người dân các xã vùng dự án không được cấp đất ở, không được xây dựng, cơi nới nhà ở, trong khi nhu cầu là rất lớn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người sân.

Đặc biệt là người dân mất đất sản xuất nông nghiệp nhưng không có việc làm, không được đào tạo chuyển đổi nghề nên nhiều hệ lụy xảy ra (xóm 1 Thạch Đỉnh có 72 hộ dân phải di dời, nhưng nay nhiều hộ dân quay lại vườn cũ để sản xuất họ lo sinh kế cái ăn hằng ngày vì tình trạng lao động không có việc làm, ruộng vườn nơi tái định cư không có để sản xuất và theo chúng tôi tìm hiểu thì nhiều hộ gia đình nơi đây vốn trước đây không phải là nghề đi biển nhưng giờ cũng phải đi ra biển để kiếm sống, nói chung cuộc sống của người dân tái định cư hết sức vất vả, khó khăn).

“Với vai trò là tổ chức khoa học kỹ thuật địa phương, chúng tôi cho rằng cần thận trọng xem xét việc tiếp tục khai thác trong đó cần xem xét quyết định dự án sớm ổn định kinh tế xã hội, khi hội tụ đầy đủ yếu tố đảm bảo sẽ khởi động việc khai thác trong tương lại”, bà Bùi Thị Minh cho biết.

Theo GS.TSKH Đặng Trung Thuận, trong kinh tế môi trường đã phát hiện ra nghịch lý mất cân đối, đó là kẻ gây ra rủi ro và ô nhiễm thì được lợi, còn những tác động của ô nhiễm và rủi ro, toàn xã hội phải gánh chịu. Nhưng hiện nay, chưa có công cụ đủ mạnh để trừng phạt và ngăn chặn hành vi này.

Ở Việt Nam dường như trong phát triển kinh tế, người gây ra ô nhiễm thì được lợi nhiều về kinh tế, còn người không được lợi về kinh tế thì phải chịu hậu quả về môi trường. Đánh đổi kinh tế và rủi ro môi trường không khôn khéo ắt sẽ dẫn đến đổ vỡ kinh tế vì không bền vững, đổ vỡ cả môi trường và xã hội, lúc đó sẽ phải đối mặt với những vấn đề môi trường nghiêm trọng phát sinh do phát triển kinh tế.

Trong báo cáo đánh giá những hệ lụy và giải pháp xử lý đối với dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), Bộ KH-ĐT cho rằng TIC thực hiện dự án chưa bảo đảm phát triển bền vững, chưa thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về sử dụng quặng khai thác cho nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm theo giấy phép đầu tư, giấy phép khoáng sản được cấp.

Từ góp ý của các bộ, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương cho kết thúc dự án, bổ sung mỏ này vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đến khi hội tụ đủ các điều kiện khai thác, khả thi về hiệu quả kinh tế.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên dải cồn cát ven biển thuộc địa phận huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh, là mỏ sắt lớn nhất Việt Nam, thuộc nhóm mỏ skarn, hình thành tại nơi tiếp giáp của đá magma với các đá cacbonat. Quặng sắt nằm dưới mực nước biển, ở độ sâu từ âm 8m đến âm 550m, có chỗ còn sâu hơn. Trữ lượng quặng 544 triệu tấn. Thân quặng thường có dạng thấu kính kéo dài. Thành phần quặng sắt gồm manhetit (Fe3O4), rất ít hematit (Fe2O3), hàm lượng sắt 45 - 68%. Có các sunfua: Pyrit, sfalerit, chancopyrit. Quặng thuộc loại giàu, chất lượng tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.