Mở rộng trường lớp nơi có nhiều lao động nữ

GD&TĐ - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ có riêng một điều về kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ.

Mở rộng trường lớp nơi có nhiều lao động nữ

Theo đó, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất để nâng cấp, mở rộng thêm trường lớp, học trên địa bàn có nhiều lao động nữ có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, đặc biệt là những xã, phường, thị trấn có khu công nghiệp.

Chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan tiến hành rà soát các điểm trông giữ trẻ, các nhóm trẻ gia đình ở địa phương để tăng cường quản lý và đưa ra các giải pháp xử lý có hiệu quả; chỉ đạo các trường công lập tiếp nhận con công nhân, lao động có đăng ký tạm trú tại khu vực; ưu tiên con công nhân, lao động nhập cư có hoàn cảnh khó khăn;

Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước để nâng cấp, mở rộng, xây mới thêm phòng học, mua thiết bị, đồ dùng học tập cho các trường mầm non công lập ở khu vực nhiều các khu công nghiệp trên địa bàn đảm bảo đáp ứng thuận tiện nhu cầu học tập của con công nhân và con em nhân dân địa phương; từng bước hỗ trợ nguồn kinh phí ngân sách trên từng đầu trẻ, ưu tiên con của công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn;

Thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ để huy động vốn đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học; huy động tài trợ từ doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cá nhân để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng học tập cho học sinh;

Khi qui hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế bắt buộc phải có qui hoạch nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, lao động gắn liền với nhà ở của công nhân.

Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, phát triển nhà trẻ, mẫu giáo ngoài công lập đủ tiêu chuẩn quy định.

Theo dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư cải tạo hoặc xây mới nhà trẻ, lớp mẫu giáo; hỗ trợ về đồ dùng học tập, đồ chơi và tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên, người trông giữ trẻ tại các nhà trẻ, mẫu giáo, điểm trông giữ trẻ tại nơi có nhiều lao động nữ.

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ tại một số địa phương.

Hàng năm căn cứ vào điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ.

Việc giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo có thể thực hiện bằng tiền hoặc hiện vật. Mức hỗ trợ cụ thể do người sử dụng lao động thỏa thuận trực tiếp với UBND xã, phường, thị trấn nơi doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh, tối thiểu là 01% quỹ lương của doanh nghiệp.

Nơi có nhiều lao động nữ được xác định như sau:

Đối với doanh nghiệp: Phương án 1: Sử dụng từ 300 lao động nữ trở lên theo số lượng đăng ký với cơ quan Bảo hiểm xã hội;

Phương án 2: Doanh nghiệp có đủ một trong các điều kiện sau: Sử dụng thường xuyên từ 300 đến 1.000 lao động nữ và có số lao động nữ từ 50% trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp;

Sử dụng thường xuyên trên 1.000 lao động nữ và có số lao động nữ từ 30% trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp.

Đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (gọi tắt là khu công nghiệp): Có từ 5.000 lao động nữ đang làm việc theo số lượng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đăng ký với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ