(GD&TĐ)-Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng giáo viên Pháp luật, Giáo dục công dân đáp ứng nhu cầu thực tế ở địa phương, đó là một trong những yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với các trường sư phạm, cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhằm triển khai Đề án Nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Giáo viên Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng đang giảng môn Giáo dục công dân. Ảnh: internet |
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn, gắn với kế hoạch thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 - 2012; chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nội dung, chương trình, bổ sung, bồi dưỡng nâng cao trình độ và thực hiện chính sách đối với giáo viên giáo dục pháp luật trong nhà trường theo quy định; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức ở địa phương phối hợp thực hiện các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính...
Với các Bộ, ngành quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cần xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án phù hợp nhiệm vụ và nội dung của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính...
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai, các Bộ, ngành, địa phương cần bám sát kế hoạch khung của Ban điều hành Đề án và phối hợp chặt chẽ với Ban điều hành Đề án triển khai công việc cụ thể để thực hiện Quyết định số 1928/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Lập Phương