Mở ô cửa văn học nhà trường

GD&TĐ - Thời công nghệ 4.0, tìm cách níu độc giả ở lại với sách là điều quyết định sống còn của nhiều nhà xuất bản (NXB). Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn vừa tổ chức chuyên đề “Viết & đọc” với sự tham gia của nhiều cây bút uy tín. Trong số thứ 4 chuyên đề mùa hạ vừa ra mắt, còn có chuyên mục “Văn học trong nhà trường”.

Bìa số “Viết & đọc” chuyên đề Mùa hạ 2019
Bìa số “Viết & đọc” chuyên đề Mùa hạ 2019

Phải có sách tốt cho độc giả

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, với việc đặt chuyên mục “Văn học trong nhà trường”, những người thực hiện mong muốn “đưa ra những cái nhìn khoa học, nhân văn vì những thế hệ tương lai”. Ở đó, các nhà văn, nhà phê bình hay các dịch giả, nhà thơ, nhà báo sẽ cùng nhau lý giải, bàn luận về những tác phẩm được học và được dạy như thế nào trong các trường học ở Việt Nam.

“Một trong những sự mới mẻ trong chuyên mục này là giới thiệu các tác phẩm văn học ở cấp tiểu học và trung học của các nước với những nền văn hóa và chính trị cũng như tôn giáo khác biệt. Người Mỹ, người Hồi giáo dạy trẻ em học những tác phẩm văn chương gì? Các giáo viên nước ngoài nói gì về việc dạy văn cho học sinh đất nước họ” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Sự tụt dốc của văn hóa đọc khi thống kê cho thấy trung bình người Việt đọc chưa được 2 cuốn sách một năm. 

Theo ông Thiều, những cái nhìn vượt ra ngoài biên giới này sẽ cung cấp cho các thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục, các nhà văn Việt Nam… cùng tham khảo để rút ra những điều bổ ích cho công việc chuyên môn. Ở số đầu tiên xuất hiện chuyên mục “Văn học trong nhà trường”, “Viết & đọc” giới thiệu các bài viết: Học văn và một sai lầm (Hoàng Lê), Sách giáo khoa ở Bỉ và một bài thơ trong chương trình tiểu học (Như Quỳnh), Vài nét về chương trình dạy môn Văn học ở Hungary (Giáp Văn Chung)...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, chuyên đề “Viết & đọc” được xuất bản mỗi năm 4 số, đặt tên theo từng mùa trong năm: Số chuyên đề mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông. “Viết & đọc” ra đời với chỉ một ý thức rằng, chúng ta phải làm ra những cuốn sách tốt nhất có thể cho bạn đọc.

“Chúng tôi muốn nói với những người làm sách và bạn đọc rằng, chúng ta có thể làm ra những ấn phẩm tốt, đánh thức những điều tốt đẹp trong con người, mở ra những vẻ đẹp của các nền văn hóa, văn học khác trên thế giới”…

Lượng bạn đọc đang tăng lên

Đối với những người trong giới thì việc nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đứng ra tổ chức một tờ kiểu dạng tạp chí văn chương không quá bất ngờ. Bởi trước đây, ông đã tổ chức nhiều ấn phẩm báo chí. Tờ “Nghệ thuật mới” mấy năm trước do ông khởi động cũng để lại những dấu ấn nhất định. Cho nên, khi về làm Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn thì lại càng thuận lợi hơn để ông thực hiện những ấp ủ của mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, “những tờ báo tôi làm trước đây có những tiêu chí khác nhau nhưng cũng cho tôi một vài kinh nghiệm để triển khai “Viết & đọc”. Đó là hãy làm đến tận cùng có thể với sự nghiêm túc, mới mẻ và nhân văn. Khi tôi làm “An ninh thế giới” cuối tháng hay “Cảnh sát toàn cầu” thì ở đó tính nhân văn luôn tràn ngập kể cả khi viết về tội ác”.

  • Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Tuy nhiên, nhà thơ thừa nhận, “Viết & đọc” khó hơn nhiều so với làm những tờ báo đó khi hiện nay báo hay tạp chí in đã và đang rơi vào khủng hoảng lớn. “Nhiều tờ báo bán với lượng bản rất lớn trước kia cũng đã rơi vào bế tắc. Một cuốn sách chuyên đề văn chương như “Viết & đọc” lại càng khó khăn.

Nhưng chúng tôi vẫn làm với một sự hứng khởi lớn. Nếu làm “Viết & đọc” chỉ vì lợi ích vật chất thì tôi vẫn còn đủ minh mẫn để không bao giờ làm nó. Nhưng chúng tôi muốn làm một ấn phẩm tốt nhất có thể và cho dù chỉ còn lại mươi người đọc nó. Nếu chỉ vì ít người đọc sách văn chương mà chúng ta chạy trốn không làm thì mãi mãi chúng ta không làm được gì cả” - ông Thiều chia sẻ.

Điều nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có ý nhắc đến cũng là điều được báo chí đề cập trong thời gian qua. Đó là sự tụt dốc của văn hóa đọc khi thống kê cho thấy trung bình người Việt đọc chưa được 2 cuốn sách một năm.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nghe cụm từ “văn hóa đọc” có vẻ như chẳng có chuyện gì ghê gớm đối với sự phát triển của một đất nước và nó chẳng làm cho mấy người giật mình sợ hãi. Nhưng thực sự đó chính là dấu hiệu của những điều hết sức huy hiểm với bất cứ xã hội nào. Khi con người rời xa những cuốn sách là bắt đầu rời xa trí tuệ và những vẻ đẹp nhân văn. Như thế là họ bắt đầu chìm vào một thế giới khác. Đó là thế giới sẽ giết chết tri thức và tâm hồn con người.

Là người làm trong ngành xuất bản đồng thời quan sát “sự đọc” của người Việt trong nhiều thập niên qua, ông Thiều nhìn nhận, số lượng người đọc sách ở Việt Nam đang tăng lên nhưng cũng chưa phải là một con số đáng kể.

“Để người Việt có thói quen đọc sách chúng ta phải nỗ lực, đồng thời làm rất nhiều việc, trong đó có ngành xuất bản. Hầu hết các nhà xuất bản ở Việt Nam phải tự hạch toán. Đây là một thách thức lớn đối với họ. Bởi thế họ phải làm những cuốn sách mà chính họ không muốn thậm chí những cuốn sách phi thẩm mỹ vì cái gọi là kinh tế thị trường. 

Tôi chưa nghe thấy các cơ quan quản lý xuất bản hàng năm hỏi các nhà xuất bản rằng: Sao năm qua các anh, các chị chẳng làm ra được cuốn sách nào ra hồn cho người đọc mà vẫn chỉ nặng về giám sát xem có cuốn sách nào “nhạy cảm” không? Và một điều rất quan trọng nữa là những người viết sách của chúng ta chưa thực sự làm ra những cuốn sách quyến rũ bạn đọc” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trăn trở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ