Mô hình “trường học xanh” và những kinh nghiệm bước đầu

GD&TĐ - Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm dự án mô hình “trường học xanh”, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) đã bước đầu đúc kết được những kinh nghiệm. 

Mô hình “trường học xanh” và những kinh nghiệm bước đầu

Theo thầy Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng - điều mà nhà trường cảm thấy hài lòng nhất đó là các em HS tỏ ra thích thú học tập, tham gia các hoạt động thông qua mô hình này, từ đó, các em nâng cao được ý thức về bảo vệ môi trường, về tiết kiệm năng lượng…

Thực hiện từng bước nhỏ

Với mục đích xanh hóa trường học và tăng cường nhận thức cho học sinh về tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh đã được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM chọn làm thí điểm dự án mô hình mẫu trường học xanh đầu tiên tại TPHCM.

Theo đó, trường được ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: Hệ thống chiếu sáng bằng đèn Led với thiết kế đạt chuẩn và tiết kiệm năng lượng. 

Ngoài hệ thống đèn, tại phòng truyền thông tiết kiệm năng lượng của trường còn được trang bị đầy đủ thiết bị như máy điều hòa, quạt, bóng đèn… tất cả những thiết bị này đều được sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời nối lưới 2kWp do Sở Khoa học và Công nghệ lắp đặt. 

Phòng cũng được lắp đặt 1 máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời cung cấp nước nóng cho các em HS khi cần sử dụng; 1 máy lọc nước tái sử dụng nước mưa, khi các em có giờ ngoại khóa học tập ở phòng mô hình có thể uống nước trực tiếp sau khi máy xử lý.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Long, với việc được chọn làm thí điểm mô hình nói trên nên nhà trường được hỗ trợ toàn bộ kinh phí để mua sắm như đèn Led, pin năng lượng mặt trời, tranh ảnh, tài liệu kể cả những đồ chơi lắp ráp chạy bằng năng lượng mặt trời... 

Gần 1 năm thí điểm, thầy Long cho biết, hiện có 3 phòng học được thí điểm lắp đặt hệ thống đèn Led, qua phản ánh của GV và các em HS, hệ thống đèn này rất hiệu quả: ánh sáng tập trung vào vở các em và tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, để đạt được mục đích mà mô hình này hướng tới, ngoài những thiết bị, tài liệu mà Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM cung cấp, hỗ trợ, nhà trường đã cho ra đời câu lạc bộ “Em yêu năng lượng”.

Theo đó, mỗi lớp sẽ có khoảng 5 HS tham gia, sinh hoạt CLB theo từng tuần, qua đó giúp các em có được kỹ năng tiết kiệm năng lượng, hiểu về năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng nhằm bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. 

Các em có được sự giao lưu với các bạn để tìm ra những cách tiết kiệm điện tốt nhất, đồng thời các em cùng với giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ là những tuyên truyền viên cho tất cả các bạn trong lớp về các kiến thức liên quan. 

Từ mô hình CLB này, trường cũng đã tổ chức thành công Ngày hội tiết kiệm năng lượng với nhiều hoạt động dành cho HS như thi vẽ tranh, thi viết, thi rung chuông vàng chủ đề tiết kiệm năng lượng, thi lắp ráp mô hình năng lượng mặt trời.

Cần có thêm kinh phí để nhân rộng

Qua trao đổi với các giáo viên, các em HS, Ban giám hiệu nhà trường đánh giá, việc thí điểm mô hình trường học xanh cộng với sự ra đời của CLB Em yêu năng lượng đã góp phần nâng cao ý thức của các em về bảo vệ môi trường, về tiết kiệm điện, nước từ những việc làm rất nhỏ từ bỏ rác đúng quy định, tắt quạt, tắt điện khi rời phòng, quạt bật số nhỏ, để quay, hạn chế bật điều hòa … 

Ngoài ra, các em có thêm kiến thức như làm sao để có điện cho các em dùng hằng ngày, các nguồn năng lượng tái tạo gồm: năng lượng sinh học, năng lượng nước, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, năng lượng mặt trời, giúp các em rèn luyện những kỹ năng khác như thuyết trình, làm việc nhóm…

Bước sang năm học 2015 - 2016, sau hoạt động hiệu quả của các thiết bị điện nhờ pin năng lượng mặt trời tại phòng truyền thông, nhà trường đã nhờ sự trợ giúp của Công ty điện lực Bến Thành để chuyển nguồn điện lấy từ pin năng lượng mặt trời thành điện sinh hoạt cho một phòng học ở lầu 2. 

(Do hệ thống điện lắp đặt chung cho toàn trường nên khi sử dụng nguồn điện từ pin mặt trời cần có sự hỗ trợ từ phía Điện lực để làm lại đường điện). Ở phòng học này, quạt, điều hòa, bóng đèn, máy chiếu, tivi… tất cả đều hoạt động từ pin năng lượng mặt trời.

“Theo dự kiến, sau một năm thực hiện thí điểm, trường sẽ lắp đèn Led cho tất cả các phòng, nhưng kinh phí còn hạn hẹp và rất khó khăn nên vẫn chưa thể thực hiện được. 

Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của CLB, của phòng truyền thông và theo dõi về tính hiệu quả khi sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời tại một lớp học cụ thể, sau đó từ ý kiến của GV, của HS mới có những kế hoạch cụ thể hơn. 

Bởi vì để nhân rộng ra toàn trường, việc mua sắm các thiết bị hỗ trợ là rất đắt đỏ, nhà trường được sự hỗ trợ về ngân sách cũng như từ việc xã hội hóa” - Thầy Long nói.

Ngoài Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, được biết theo kế hoạch trong thời gian tới đây sẽ có 6 trường học ở 6 quận, huyện trên địa bàn TPHCM sẽ tiến hành thí điểm mô hình nói trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ việc.

Sập cầu khi đang thi công ở Hà Giang

GD&TĐ - Cây cầu mới khởi công xây dựng vài tháng với kinh phí đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, bị sập khi đang thi công ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang.

Benjamin Mendy thắng kiện Man City.

Man City thua kiện Benjamin Mendy

GD&TĐ - Tòa án lao động Anh vừa quyết định Man City phải trả phần lớn số tiền lương 11,5 triệu bảng Anh cho cựu hậu vệ Benjamin Mendy.

Thầy Lê Văn Hùng trong giờ dạy sử dụng giáo án điện tử.

Lưu ý với giáo án điện tử

GD&TĐ - Giáo án điện tử tăng tính sinh động của giờ dạy, nhưng lạm dụng sẽ tác dụng ngược. Cần xây dựng, sử dụng giáo án điện tử như thế nào cho phù hợp?