Học sinh được tiếp cận thực tế
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai, ngoài giờ học chính khóa thì các hoạt động ngoại khóa như hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường đóng vai trò rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu này, ngành GD-ĐT TP Cần Thơ từ rất sớm đã có bước chuẩn bị; các trường từ cấp tiểu học đến THPT chủ động xây dựng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS. Mỗi trường tùy vào đặc điểm kinh tế, xã hội địa phương sẽ xây dựng hoạt động trải nghiệm phù hợp.
Đối với Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nhà trường xác định vị trí ở gần chợ nổi Cái Răng (địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước) xem đó là một lợi thế. Chương trình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn địa phương cũng được trường xây dựng phù hợp với điều kiện đặc thù chợ nổi. Với hoạt động này, nhà trường giúp HS được tiếp cận thực tiễn, sớm có những định hướng nghề nghiệp cho bản thân.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách khi đến với Cần Thơ. Vì vậy, nơi này được chọn để thiết kế nhiều nội dung ngoại khóa cho HS. Trước hết là cho HS trải nghiệm là hướng dẫn viên du lịch với nhóm những em thích ngành nghề này và có năng khiếu môn Tiếng Anh. Sau khi được hướng dẫn viên chuyên nghiệp giới thiệu một số kỹ năng, các em HS sẽ vận dụng vốn ngoại ngữ, văn học, lịch sử để tham gia làm hướng dẫn viên du lịch.
Thầy Võ Đức Chỉnh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, người khởi xướng Chương trình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn địa phương, cho biết: “Để chuẩn bị cho hoạt động trải nghiệm, trường tổ chức dạy lý thuyết với thời gian hơn một tuần để HS làm quen. Các em hào hứng tham gia, khi ra chợ nổi rất mạnh dạn, xung phong làm hướng dẫn viên du lịch rất rành rọt, hướng dẫn từ khách trong nước đến khách nước ngoài…”.
Đây chỉ là 1 trong 4 dự án nghề (thuộc mô hình nhà trường gắn với lao động sản xuất) cho HS của Trường THPT Nguyễn Việt Hồng. Vào các giờ ngoại khóa, các em HS còn tham gia kinh doanh rau màu trên chợ nổi, bán rau màu trên bờ, nuôi trồng và bán thủy sản. Mỗi chuyến trải nghiệm thu hút đông đảo thầy, trò tham gia. Tuy vất vả nhưng tất cả đều hào hứng, nhiệt tình thực hiện tốt công việc của mình.
Bước chuẩn bị quan trọng cho Chương trình phổ thông mới
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): Trong thời gian qua, hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật của HS được thành phố quan tâm đầu tư. Điển hình như hoạt động giáo dục nhà trường gắn liền với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Tuổi trẻ hành động bảo vệ môi trường bằng phương pháp giáo dục hành động theo Dự án WINDY mở rộng giai đoạn 2017 - 2019. Tổng số trường đã và đang thực hiện Dự án WINDY là 41 trường với 418 công chức, viên chức và 1.208 HS. Dự án sẽ mở rộng đến 100% số trường trung học trong giai đoạn 2017 - 2019. Đến nay đã có 100% các đơn vị tổ chức các hoạt động giảng dạy thông qua hành trình di sản với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương và điều kiện cụ thể của đơn vị…
Cũng theo đánh giá của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, việc triển khai Chương trình giáo dục nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại địa phương là một trong những bước đi của lộ trình đổi mới giáo dục, chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Những hoạt động này giúp HS không chỉ tăng cường kiến thức thực tế mà còn hiểu hơn về thế mạnh kinh tế địa phương; từ đó có định hướng phù hợp cho tương lai của bản thân. Đối với HS các trường ở thành phố, sân chơi dành cho các em vẫn còn thiếu nên những chuyến trải nghiệm, hướng nghiệp thông qua các hoạt động đặc thù của địa phương là hoạt động rất thú vị. Việc lênh đênh trên chợ nổi Cái Răng, tập làm hướng dẫn viên du lịch hoặc học cách mua bán từ những thương hồ bán trái cây trên sông để lại cho các em nhiều ấn tượng.