Tại đây, khách tham quan được tận mắt nhìn thấy các công đoạn để làm ra sợi hủ tiếu và được trực tiếp tham gia tráng bánh. Đây là những trải nghiệm thú vị đối với số đông khách du lịch khi đến thăm cơ sở sản xuất này.
Thay đổi để tạo sự khác biệt
Là một thợ làm bánh tráng hủ tiếu lâu năm, chị Dương Thị Kim Ba cho biết: Để tạo ra sợi hủ tiếu màu trắng đục ngon nổi tiếng, quan trọng nhất là chọn hạt gạo trắng nõn, thon dài. Tiếp theo là các công đoạn ngâm, vo gạo, gút, xay, bòng, đánh, cho vào lu nước quậy lấy tinh bột, tráng, phơi và cuối cùng là cắt hủ tiếu thành sợi.
Tại cơ sở sản xuất Sáu Hoài, bánh hủ tiếu được làm từ 80% là bột gạo, 20% là nguyên liệu củ quả như: Lá thơm, củ dền, gấc để tạo ra những sản phẩm khác nhau, cho màu sắc và hương vị tự nhiên, riêng biệt. Lượng bột hỗn hợp này được đưa vào nhào chung với nhau trong khoảng 30 phút để có được độ dai cần thiết, sau đó đưa ra lò tráng. Sau khi tráng, bánh được phơi trên giàn tre trong khoảng 3 - 4 tiếng là có thể cắt được thành sợi hủ tiếu.
Trước đây, trong làng có nhiều hộ sản xuất bánh tráng, nhưng đến nay hầu hết đã không còn theo nghề. Làm theo cách truyền thống thì giá thành nguyên liệu đầu vào rất cao, người làm không có lãi. Ở Cần Thơ đã có những cơ sở sản xuất bánh tráng hủ tiếu theo dây chuyền công nghiệp cho năng suất cao và giá thành rẻ, vì vậy nghề truyền thống cũng dần mai một.
Cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu Sáu Hoài là một trong số ít lò bánh còn hoạt động tại Cần Thơ. Bánh tráng vẫn được làm đúng theo phương pháp cổ truyền với lò đun bằng trấu. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất được khoảng 50kg, chủ yếu là bán lẻ cho khách du lịch với giá 40.000 đồng/kg. Đây chỉ là một nguồn thu nhỏ, nhưng sự khác biệt lớn là giá trị gia tăng từ những dịch vụ du lịch khác.
|
Sáng tạo với nghề truyền thống
Vẫn là nghề thủ công truyền thống, tuy nhiên về hình thức và nội dung đã có sự thay đổi rõ ràng, ông Huỳnh Hữu Hoài, chủ cơ sở đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất đơn thuần sang gắn với du lịch. Quyết định này đã đem lại những thay đổi tích cực trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề thủ công của địa phương theo một hướng mới, phù hợp và hiệu quả hơn.
Trên khu đất rộng khoảng 5.000m2, cơ sở sản xuất đã tạo thành một mô hình sinh thái mang đậm nét miệt vườn miền Tây Nam Bộ để khách du lịch tham quan ngắm cảnh. Trải nghiệm quá trình làm bánh tráng hủ tiếu khách du lịch sẽ được hướng dẫn tham gia từ tráng bánh cho đến đưa bánh vào máy cắt để ra sợi bánh thành phẩm. Đây là một trải nghiệm thú vị nhất với khách du lịch khi ghé thăm cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức những món ăn được làm từ bánh hủ tiếu, trong đó đặc biệt là bánh “Pizza hủ tiếu” là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch của cơ sở.
Chị Nguyễn Hương Lan, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy rất thú vị khi tham quan cơ sở sản xuất. Tôi biết được quá trình sản xuất hủ tiếu, hầu hết các công đoạn được làm thủ công. Tôi cũng được tham gia vào công việc tráng bánh và thưởng thức bánh Pizza hủ tiếu. Điểm độc đáo của cơ sở sản xuất này là việc kết hợp sản xuất với du lịch, đây là một cách làm mới mẻ và sáng tạo”.
Mỗi ngày cơ sở bánh tráng hủ tiếu Sáu Hoài tiếp đón khoảng trên dưới 400 lượt khách du lịch, qua đó tạo việc làm cho khoảng gần 20 lao động địa phương. Đây có thể được xem là một mô hình phát triển làng nghề hiệu quả mà các địa phương khác có thể nghiên cứu, chắt lọc kinh nghiệm để ứng dụng vào thực tế.