Dự án Vietnam’s Autism Projects (VAPs) được sáng lập bởi anh Nguyễn Đức Trung, là mô hình kinh tế tạo công ăn việc làm bền vững giúp người tự kỷ có khả năng nuôi sống bản thân cũng như tạo giá trị cho cộng đồng.
Gieo hy vọng cho người tự kỷ
Rối loạn tự kỷ (Autism spectrum disorder) là một tình trạng ngôn ngữ, nhận thức, cảm giác cùng với hành vi bị rối loạn, suy yếu.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số người mắc rối loạn tự kỷ ở Việt Nam đang có xu hướng tăng với khoảng 1 triệu người (trong tổng số 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên); trẻ tự kỷ chiếm khoảng 1% số trẻ được sinh ra hằng năm.
Nguyên nhân của tự kỷ là do rối loạn phát triển hệ thần kinh ở não, do một số gen bất thường làm thay một cấu trúc ở các bộ phận như tiểu não, thùy trán, thùy thái dương, sinh hóa thần kinh không được bình thường… Từ đó, người mắc gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, từ học tập cho đến sinh hoạt, làm việc.
Theo thống kê của ngành Giáo dục Hà Nội, tự kỷ là dạng khuyết tật có tỷ lệ cao nhất trong trường học, trẻ tự kỷ chiếm 30% số trẻ khuyết tật học đường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu chưa đầy đủ bởi còn rất nhiều trẻ rối loạn tự kỷ dù đã đến tuổi nhưng không thể tới trường học.
Trong khi đó, chưa có chương trình giáo dục riêng biệt, thiếu hụt nguồn giáo viên có chuyên môn, kỹ năng chuyên biệt để phục vụ chương trình giáo dục và đào tạo cho người tự kỷ. Chính vì vậy, hiện nay người tự kỷ ở độ tuổi trưởng thành gần như không có cơ hội việc làm.
Chị Đỗ Quỳnh Trang (38 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một phụ huynh có con mắc rối loạn tự kỷ.
Chị Quỳnh Trang chia sẻ: “Dù gia đình luôn rất nỗ lực tìm kiếm cơ hội cho con, song việc con hòa nhập với cộng đồng hoàn toàn, có một công việc ổn định để có nguồn thu nhập là rất khó. Vì thế, tôi luôn đau đáu. Mâu thuẫn là ở chỗ tôi không thể theo con cả đời được song chỉ có bố mẹ mới có thể luôn kiên nhẫn đồng hành và yêu thương con vô điều kiện. Nếu bố mẹ không còn thì không biết con phải làm gì để tự lo cho bản thân?”.
Thấu hiểu nỗi trăn trở, lo lắng của những gia đình có con là người tự kỷ, anh Nguyễn Đức Trung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã thành lập một công ty đặc biệt và nhân sự là chính những người mắc chứng tự kỷ. Ở nước ta đã có những dự án nhỏ mang tính thiện nguyện, hỗ trợ cộng đồng hoặc tạo ra không gian cho trẻ tự kỷ kết nối với nhau.
Tuy nhiên, để hướng tới đào tạo việc làm tự chủ, tạo điều kiện cho người tự kỷ có thêm thu nhập bằng chính sức lao động của mình thì dự án kinh tế Vietnam’s Autism Projects (VAPs) do anh Nguyễn Đức Trung sáng lập là mô hình đầu tiên tại Việt Nam.
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với công ty đặc biệt này, anh Trung cho biết: “Tôi đã nghiên cứu rất sâu về các mô hình kinh tế trên thế giới, từ giáo dục đặc biệt, y tế, hướng nghiệp, lao động… cũng như những khía cạnh về tâm lý của người tự kỷ.
Tôi rất bất ngờ khi nhận ra các bạn tự kỷ vẫn có thể nhận thức và lao động được, tuy nhiên cần được hỗ trợ, tạo môi trường đặc biệt để phát triển. Vậy mà ở Việt Nam lại chưa có đơn vị nào. Đây chính là tiền đề thôi thúc tôi thành lập công ty VAPs”.
Nhân sự đặc biệt của công ty “hạnh phúc”
Theo nhà sáng lập Nguyễn Đức Trung, dự án VAPs ra đời nhằm tạo ra việc làm, tuyển dụng… dành cho người tự kỷ. Mục tiêu của dự án là xây dựng các mô hình kinh tế thí điểm nhằm nâng cao nhận thức về tự kỷ tại nước ta thông qua các mô hình kinh tế, đồng thời tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp cho các bạn.
Dự án tạo công ăn việc làm bền vững để người tự kỷ tự nuôi sống bản thân cũng như tạo giá trị cho cộng đồng được triển khai cách đây 8 năm. Trải qua vô số khó khăn, nhiều lần thất bại, hiện nay công ty đã có những “quả ngọt”.
Công ty VAPs đang có trụ sở tại phố Mai Anh Tuấn với 8 nhân viên trực tiếp vận hành là người tự kỷ.
Công ty là căn nhà nhỏ ba tầng gồm nhà hàng pizza, thư viện và siêu thị tích hợp. Mỗi tầng đều có nhân viên phụ trách riêng, người làm nhà hàng, người trông coi hiệu sách, người phục vụ đón tiếp khách, người kiểm kho, thu ngân… Ai cũng được tham gia lao động và góp vai trò quan trọng trong dự án.
Ngoài những việc được phân công, các nhân viên tại VAPs đều được anh Trung hướng dẫn các kỹ năng cơ bản trong kinh doanh như tính toán giá tiền, sử dụng các thiết bị máy móc. Trong quá trình hướng dẫn, anh Trung luôn thấu hiểu, kiên nhẫn, nhẹ nhàng với tất cả nhân viên để họ có môi trường làm việc vừa chuyên nghiệp vừa thoải mái.
Anh Lê Hưng (22 tuổi) được anh Trung tin tưởng giao vai trò bếp trưởng của nhà hàng “Hạnh phúc” - một trong những mô hình kinh doanh VAPs. Dù gặp hạn chế về giao tiếp, song Hưng luôn cẩn thận và tỉ mỉ, theo đúng quy trình công việc. Anh Hưng có khả năng quan sát tốt, khi thấy khách hàng loay hoay hay gặp khó khăn, bếp trưởng lập tức ra hỗ trợ cắt bánh, rót nước để đảm bảo khách hàng có được trải nghiệm tốt.
Quy trình tiếp đón và phục vụ tại nhà hàng được anh Trung điều phối, phân công tỉ mỉ và rõ ràng. Chịu trách nhiệm phục vụ đồ uống cho khách hàng là anh Nguyễn Quang Anh (21 tuổi, Hà Nội). Hàng ngày, Quang Anh đều tự bắt xe buýt từ nhà tới chỗ làm - một điều tưởng như đơn giản nhưng lại là một khó khăn đối với nhiều người tự kỷ.
Trong suốt quá trình xếp bàn, hướng dẫn khách hàng, Quang Anh luôn vui vẻ, lạc quan và đặc biệt bạn trẻ này có khả năng giao tiếp tốt. Nhân viên này cho biết, mình rất yêu lao động, có những ngày dù ốm nhưng vẫn muốn tới công ty để được gặp gỡ mọi người.
“Mọi người xung quanh bảo, từ khi đi làm mình trưởng thành hơn, không còn hay cáu gắt như trước nữa. Ba mẹ cũng rất hạnh phúc khi thấy mình có việc làm”, Quang Anh tự hào nói.
Anh Trung chia sẻ, mỗi bạn nhân viên tại công ty đều có những điểm mạnh riêng, cần tạo quy định về kỷ luật lao động để các nhân viên được làm việc thường xuyên và liên tục. Tuy không dễ dàng nhưng anh luôn cố gắng kết nối các nhân viên, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được giao lưu, tiếp xúc với khách hàng để các bạn cảm thấy mình đang được sống và làm việc như tất cả mọi người.
Anh Nguyễn Đức Trung trải lòng, anh luôn kiên trì với lựa chọn của mình, mong muốn tiếp thêm niềm tin cho các bậc phụ huynh có con mắc rối loạn tự kỷ. Đồng thời, anh khao khát các doanh nghiệp khi nhìn thấy những thành công bước đầu của VAPs, sẽ có cơ sở để phát triển những chương trình về nghề nghiệp bền vững cho người tự kỷ.
Anh cho rằng, nhiều người có cơ sở vật chất, có điều kiện, và có ý muốn giúp đỡ nhưng không biết làm thế nào. “Để giúp đỡ, chúng ta phải hiểu được họ cần gì, chứ không phải đơn thuần cho tiền hay ủng hộ”, anh Trung cho biết.
Chị Thái Phương Linh (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) là khách hàng biết tới mô hình kinh doanh đặc biệt này qua các nền tảng mạng xã hội, chị đã cùng bạn bè tới trải nghiệm và cảm thấy rất bất ngờ vì sự chuyên nghiệp của nhân viên.
Chị Phương Linh cho biết: “Ban đầu mình tới đây một phần vì tò mò, một phần cũng nghĩ VAPs giống như một tổ chức thiện nguyện. Thế nhưng sau buổi trải nghiệm, mình đã thay đổi hoàn toàn góc nhìn về người tự kỷ. Các bạn nhân viên rất tự tin, nhiệt tình và lạc quan”.
Qua đó, chị Phương Linh muốn nhắn nhủ tới cộng đồng rằng nên có cái nhìn bao dung hơn với người tự kỷ, họ vẫn có thể trở thành một người lao động bình thường, hòa nhập với xã hội.
Mọi quy trình đều được nhân viên ghi chép lại cẩn thận, rõ ràng. |
Trong quá trình làm việc, đôi khi các nhân viên không tránh khỏi sự sai sót, song họ luôn cố gắng để hoàn thành công việc. |
Ấp ủ ước mơ lan tỏa mô hình
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, người đã có hơn 15 năm gắn bó với trẻ tự kỷ thì cho tới nay chưa có phương pháp nào chữa khỏi hẳn được căn bệnh tự kỷ. Tất cả phương pháp điều trị đều nhắm tới mục đích giúp cho người tự kỷ có được kỹ năng sống cần thiết nhất.
Tuy hiện nay, có một vài người tự kỷ có tài năng xuất chúng nhưng những người đó thường ở dạng bệnh nhẹ, ở thể tự kỷ chức năng cao Asperger. Đây được coi là những người sở hữu năng khiếu đặc biệt, tuy nhiên chiếm số lượng rất ít.
Chính vì vậy, hiện nay có nhiều trung tâm “thổi phồng” về việc muốn huấn luyện trẻ tự kỷ thành thiên tài, đó là một câu chuyện hoang đường. Việc chúng ta nên hướng tới là giúp người tự kỷ có được các kỹ năng sống cần thiết để có cuộc sống độc lập. Nếu có thể thì dạy cho người tự kỷ học được nghề đơn giản để kiếm sống.
Theo các chuyên gia, người tự kỷ có một số kỹ năng rất phù hợp với một số vị trí công việc nhất định, với khả năng hoàn thành công việc tốt và chất lượng cao. Họ có khả năng tập trung rất tốt vào các chi tiết, phù hợp với công việc mang tính tuần tự, có thời gian và công thức thực hiện rõ ràng. Điều này đã được Giám đốc Nguyễn Đức Trung xác nhận qua 8 năm điều hành dự án mô hình kinh tế mở VAPs.
Theo anh Đức Trung, người tự kỷ không có khả năng nhạy bén và linh hoạt như chúng ta song xét theo một khía cạnh khác thì đây lại là điểm mạnh bởi họ luôn tư duy theo kiểu rập khuôn.
Anh Nguyễn Đức Trung (thứ 2 từ trái sang) và nhân viên của mô hình kinh tế VAPs. |
Đơn cử trong quá trình làm việc, người tự kỷ luôn hành động theo đúng quy trình tuần tự và đầy đủ, không bỏ qua bước nào. Những nhân viên tại VAPs được anh Trung tự hào khen ngợi rằng họ rất trung thực, không bao giờ cả thèm chóng chán hay đòi hỏi vô lý.
Chia sẻ về dự định phát triển mô hình kinh tế VAPs, anh Trung cho biết sắp tới sẽ triển khai và đưa dự án giặt là vào hoạt động. Bên cạnh đó, mong muốn lớn nhất của anh là thí điểm thật chắc chắn và thành công trước khi nhân rộng mô hình tới 63 tỉnh, thành nhằm giúp đỡ người tự kỷ trên cả nước được đào tạo, định hướng có công việc bền vững, làm chủ cuộc sống; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, quan tâm của xã hội dành cho người tự kỷ.