Mô hình khám chữa bệnh từ xa: Giải pháp "hữu hiệu" mùa dịch

GD&TĐ - Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện lớn trên địa Hà Nội đã triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa với hàng trăm bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trên cả nước.

Một ca hội chẩn trực tuyến có sự tham gia của bác sĩ đầu ngành đến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Một ca hội chẩn trực tuyến có sự tham gia của bác sĩ đầu ngành đến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Mô hình khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp tăng cường năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên mà còn đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, mô hình khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, đi lại, cũng như giảm bớt gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin với người bệnh.

Đặc biệt, mô hình khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên. Từ đó, giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân nặng, cấp cứu không kịp chuyển tuyến, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên sẽ tiến hành hội chẩn và tư vấn trực tuyến từ xa giúp nhiều người bệnh được cứu sống. Ngay trong những ngày này, nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch trên cả nước cũng đang được các y, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành hội chẩn liên tục nhằm đưa ra các phác đồ điều trị từ xa đã mang lại hiệu quả tích cực.

Từ tháng 4/2020 đến nay, Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh triển khai thực hiện mô hình khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các chuyên gia đầu ngành, nhiều bệnh nhân nặng đã điều trị hiệu quả ngay tại bệnh viện.

Vào khoảng giữa tháng 8/2021, Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị M. ở xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn vào khám và điều trị với biểu hiện các cơn ho, tức ngực kèm khó thở. Bệnh nhân có tiền sử suy tim điều trị thường xuyên. Cách ngày vào viện 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện sốt về đêm, ho từng cơn, tức ngực đã khám và điều trị tại bệnh viện Đa Khoa Tỉnh với chẩn đoán: Theo dõi lao phổi bội nhiễm/ Suy tim - Stent mạch vành, sau đó chuyển bệnh viện thành phố Hà Tĩnh điều trị tiếp.

Xác định đây là ca bệnh khó và phức tạp, sau một thời gian ngắn điều trị, các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh đã quyết định hội chẩn từ xa với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau khi nghe các bác sĩ tuyến dưới thông tin những phương pháp đã điều trị, xem các hình ảnh từ phim chụp, siêu âm, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành hội chẩn, đưa ra chẩn đoán và định hướng phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Trong khi đó, sau thời gian triển khai mô hình tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa qua ứng dụng Telehealth, Bệnh viện 199 đã có nhiều ca hội chẩn với các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế … Qua đó, giúp nhiều người dân có thể lắng nghe trực tiếp bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Thông qua nỗ lực triển khai Phòng khám từ xa với các buổi hội chẩn trực tuyến kể trên, các bác sỹ của Bệnh viện 199 đã áp dụng thành công vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở nhiều loại bệnh khác nhau. Trong đó, với các ca bệnh khó, việc hội chẩn trực tiếp được các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ qua hệ thống Telehealth đã giúp các bác sỹ của Bệnh viện có thêm kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, xử trí ban đầu hiệu quả.

Đặc biệt, các trường hợp cần can thiệp tại chỗ sẽ được thực hiện tại bệnh viện với sự giám sát, hướng dẫn của chuyên gia tuyến Trung ương hay nhiều đơn vị y tế trong cả nước....

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ