Mở đường đưa chữ lên non

GD&TĐ - Điện Biên vẫn đang tiếp tục mục tiêu xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đưa "ánh sáng" đến mọi thôn bản hẻo lánh, xa xôi nhất...

Những cán bộ, giáo viên đầu tiên của Ty Giáo dục Lai Châu trong buổi tổng kết công đoàn Văn phòng Ty vào tháng 12/1964 .Ảnh: NVCC.
Những cán bộ, giáo viên đầu tiên của Ty Giáo dục Lai Châu trong buổi tổng kết công đoàn Văn phòng Ty vào tháng 12/1964 .Ảnh: NVCC.

“Cõng” bảng lên nương

Sau gần 70 năm giải phóng, Điện Biên vẫn tiếp tục mục tiêu xóa mù chữ (XMC) cho đồng bào dân tộc thiểu số, đưa ánh sáng tri thức “thắp sáng” mọi thôn bản hẻo lánh, xa xôi nhất. Tối đến, trong tĩnh mịch núi rừng lại vang tiếng đọc i tờ...

Ngược thời gian về sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh đất Điện Biên giải phóng nhưng mịt mùng trong đói nghèo và lạc hậu. Để “miền núi tiến kịp miền xuôi” như lời căn dặn của Bác Hồ, những đoàn quân “diệt giặc dốt” đã mở đường gieo chữ, mang ánh sáng văn hóa lên non cao. Để đến nay, Điện Biên duy trì là tỉnh đạt chuẩn XMC mức độ 2; 96,88% người dân Điện Biên (15 – 60 tuổi) đạt chuẩn biết chữ mức độ 1.

Lật giở những tấm ảnh cũ, ký ức ngày đầu đặt chân lên Điện Biên “gieo” chữ lại ùa về trong tâm trí ông Nguyễn Minh Tranh, tổ dân phố 5, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ. Ngày ấy ông là chàng thanh niên 21 tuổi, từ miền quê Thái Bình xung phong tình nguyện lên Tây Bắc dạy học cho người dân vùng cao.

Đeo balo hành lý trên vai, ông đi bộ xuyên rừng vượt suối nhiều ngày liền từ trung tâm Khu tự trị Thái – Mèo (Thuận Châu, Sơn La) lên “cắm” xã; nhận trọng trách một mình mở lớp vỡ lòng cho đồng bào Hà Nhì khu vực Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu tỉnh ta ngày nay.

Ông Tranh hồi tưởng: “Tôi đến ở nhờ nhà dân, vừa làm quen bà con, tìm hiểu văn hóa và học tiếng Hà Nhì để tuyên truyền họ đi học, vừa tự tay dựng lán tre làm lớp, dùng rìu chẻ gỗ, chẻ tre ghép làm bàn, ghế, bảng học (ở vùng cao khi ấy chưa có cưa). Còn làm thêm chiếc bảng nhỏ bằng mặt gỗ sần sùi để cõng lên nương cùng người dân. Khi bà con làm, mình làm cùng. Khi bà con nghỉ trưa, mình tranh thủ lấy bảng ra dạy chữ cho họ”.

Cứ thế thầy đi tìm trò, rồi lớp vỡ lòng đầu tiên của thầy giáo Tranh thu hút được 15 – 16 em tham gia, đủ độ tuổi từ 6 – 16. “Bất kỳ ai có nhu cầu học, từ trẻ em đến người lớn đều chào đón, làm sao để con chữ đến với nhiều người hơn” – ông Tranh chia sẻ.

“Trời sáng mau mau, đốt lửa, dạy học trò” – đó là mong ngóng của thầy giáo trẻ Nguyễn Minh Tranh mỗi sớm gà gáy. Một mình đảm nhiệm công tác giáo dục cả khu vực biên giới rộng, xa xôi, cách trở bậc nhất Lai Châu ngày ấy, thầy chỉ mong mỗi sáng, chiều mở lớp có đông đủ học trò.

Năm đầu tiên, thầy không về quê, đồng lương ít ỏi dành gửi mua giấy, bút cho học sinh. Năm tiếp đó, thầy Tranh có thêm 1 đồng nghiệp cùng đồng cam cộng khổ. Các thầy chia nhau 1 người dạy điểm cũ, 1 người lên mở lớp mới tại khu vực A Pa Chải (xã Sín Thầu ngày nay), dần nâng số học sinh ra lớp, số người biết chữ trên địa bàn.

Lớp học XMC được mở tại bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn năm 2023 (Ảnh: Hiền Nguyễn).
Lớp học XMC được mở tại bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn năm 2023 (Ảnh: Hiền Nguyễn).

Con chữ “phủ” khắp vùng cao

Không chỉ khu vực biên giới A Pa Chải, mà năm 1959 đã có 860 giáo viên các địa phương trong cả nước tình nguyện lên phục vụ giáo dục miền núi Tây Bắc. Trong đó, tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Lai Châu và Điện Biên) được đón hơn 500 giáo viên.

Một năm sau (1960), có thêm hơn 200 giáo viên tiếp tục sứ mệnh. Thời điểm ấy Khu tự trị Thái – Mèo (bao gồm cả địa phận Điện Biên, Lai Châu bây giờ) đầy rẫy hiểm nguy do thú dữ, thiên tai và cả nạn phỉ. Đồng bào các dân tộc thiểu số đói khổ, nheo nhóc, hủ tục đè nặng, trên 99% dân số mù chữ.

Thời gian đầu, để mở đường đưa con chữ lên vùng non cao, hầu hết mỗi xã chỉ có 1 thầy/cô phụ trách. Lớp không phân biệt độ tuổi học sinh, bao nhiêu em cũng dạy, thậm chí 1 học sinh vẫn duy trì.

Nhớ lại ngày tháng gian khó, ông Vũ Kim Thuần, một trong những giáo viên đoàn 1959, hiện đang sống tại tổ 8, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ), ngâm câu thơ: “Núi rừng ơi hãy nuôi tôi nhé/Coi tôi như con đẻ núi ơi/Tôi ở đây mở trường dạy trẻ/Yêu núi rừng như quê mẹ của tôi…” mà ông đã trải lòng ngày ấy.

Ông kể: “Tất cả đều bắt đầu từ con số 0, không bảng đen, phấn trắng, không bàn ghế, nhà lớp học... Nhưng khắc khi lời Bác căn dặn trước khi lên đường “Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn”, chúng tôi cố gắng vượt lên mọi hoàn cảnh, khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài giờ lên lớp, mỗi giáo viên lại cùng bà con lên nương trồng khoai, sắn; vận động nhân dân diệt giặc dốt, xóa bỏ hủ tục. Sau một thời gian, nơi các thầy cô đến, phong trào giáo dục đã bắt đầu có kết quả và ngày càng tốt hơn”.

Bằng sự nhiệt huyết, yêu nghề và tình cảm thiết tha dành cho đồng bào miền núi, các giáo viên ngược ngàn đã mang ánh sáng văn hóa “thắp” lên khắp các bản làng, mở ra trang mới trong sự nghiệp giáo dục ở vùng cao Điện Biên, Lai Châu.

Nhờ đó, ngày 1/6/1963, Ty Giáo dục Lai Châu được thành lập. Đến hết năm 1970, giáo dục Lai Châu đã hoàn thành nhiệm vụ XMC cho cán bộ, đảng viên, thanh niên vùng cao, nhân dân vùng thấp trong tỉnh. Cuối năm 1979, toàn tỉnh Lai Châu có 76,49% người dân được XMC; 97/153 xã, phường được công nhận xóa xong nạn mù chữ.

Tiếp nối sự nghiệp ấy, lớp lớp thế hệ giáo viên đã “gieo” con chữ khắp các bản làng. Cùng với phát triển hệ thống giáo dục, tăng tỷ lệ học sinh các độ tuổi ra lớp, chuyển cấp, thì việc XMC cho người trưởng thành vẫn được quan tâm thực hiện. Đến năm 2000, tỉnh Lai Châu cũ được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và XMC. Năm 2020, Điện Biên được công nhận đạt chuẩn XMC mức độ 2 và duy trì đến nay.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đề ra mục tiêu đến năm 2025, Điện Biên duy trì vững chắc kết quả XMC mức độ 2. Với nhiệm vụ đó, công tác XMC luôn được chú trọng quan tâm và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế giai đoạn mới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Điện Biên có 99% người trong độ tuổi từ 15 – 35 và 97,2% người trong độ tuổi từ 15 – 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1. 97,6% người trong độ tuổi 15 – 35, 88,6% người trong độ tuổi từ 15 – 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ