Cùng với việc chuẩn bị tổng kết năm, những ngày này, nhiều trường học tất bật lên kế hoạch mở cửa trường để học sinh bước vào thư giãn với “học kỳ ba”.
Khác với trước kia chủ yếu tổ chức các lớp ôn lại kiến thức, những năm gần đây, trường hè rộng cửa với với nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng. Đà Nẵng là địa phương đi đầu cả nước về chủ trương mở cửa trường hè. Từ năm 2016, Sở GD&ĐT thành phố này đã thực hiện mở cửa trường hè với những đơn vị có điều kiện. Tại TPHCM, từ mùa hè 2018, Sở GD&ĐT TPHCM cũng có kế hoạch mở cổng trường và thư viện cho học sinh vào vui chơi, sinh hoạt hè. Ở Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM), chương trình sinh hoạt hè khá sinh động với hoạt động của câu lạc bộ (CLB) đọc sách, toán tư duy thực tiễn, thể dục thể thao, tiếng Anh, kỹ năng - khoa học …
Tại Hà Nội, vào mùa hè, nhiều trường tư thục, tự chủ mở cửa trường cho học sinh được rèn luyện thể chất với các bộ môn như bơi lội, bóng rổ, hoạt động nghệ thuật như âm nhạc, nhảy, vẽ sáng tạo, làm đồ handmade... Đặc biệt, dịp này, học sinh được rèn luyện các kỹ năng như chăm sóc bản thân, quản lý cảm xúc, quản lý thời gian, giao tiếp, ứng xử, phòng vệ, sinh tồn hay cách xử lý tình huống khi gặp sự cố nguy hiểm…
Hoạt động hè trong nhà trường được các bậc phụ huynh, nhất là gia đình có con tuổi mầm non, tiểu học đặc biệt quan tâm. Không chỉ giúp cha mẹ yên tâm vì con được trông giữ, hoạt động hè trong nhà trường còn mở ra cơ hội vui chơi, rèn luyện các kỹ năng mà bình thường trong thời gian học chính khóa, trẻ không có nhiều cơ hội để thụ hưởng. So với việc tham gia các khóa trải nghiệm bên ngoài, chi phí học trong nhà trường rẻ hơn, nội dung bảo đảm tính giáo dục. Sinh hoạt hè trong trường, học sinh giữ được thói quen đến trường, các ý niệm về trường lớp, bạn bè và thầy cô được duy trì, thuận lợi khi trẻ đi học chính thức trở lại.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng đến nay hoạt động mở cửa trường cho học sinh sinh hoạt hè vẫn chưa đều khắp. Nhiều nơi nỗ lực lắm cũng chỉ mở cửa thư viện, nhưng vì số đầu sách và không gian hạn chế nên chưa thu hút học sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Dịp hè cũng là lúc giáo viên được nghỉ ngơi bên gia đình hoặc làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập; Nhiều phụ huynh muốn nhà trường mở cửa trong hè để tổ chức giữ trẻ (bán trú) kết hợp dạy tiếng Anh, dạy trước kiến thức hơn là cho con tham gia các CLB, sân chơi…
Nhưng có thể nói, nguyên nhân lớn nhất vẫn là vấn đề tài chính. Để tổ chức các hoạt động hè cần đến kinh phí duy tu cơ sở vật chất, đào tạo kỹ năng tổ chức cho giáo viên, nhân viên nhà trường. Trong khi đó, tài chính các trường công khá hạn hẹp, ngân sách địa phương dành cho sinh hoạt hè mỗi học sinh chỉ vài chục ngàn đồng/em. Nếu nguồn thu xã hội hóa huy động không đủ bù chi thì cũng rất khó để nhà trường duy trì các hoạt động.
Trong bối cảnh thiếu sân chơi hè cho trẻ, việc các trường tận dụng cơ sở vật chất, nhân sự để tổ chức hoạt động tại cơ sở là giải pháp thiết thực. Thế nhưng để mở cửa trường hè và để hoạt động hè tại trường sinh động, hiệu quả, chỉ sự nỗ lực của nhà trường là chưa đủ. Kinh nghiệm ở những nơi làm tốt công tác mở cửa trường học ngày hè cho thấy bên cạnh sự chủ động, linh hoạt sáng tạo của ban giám hiệu, quan tâm của phụ huynh, vai trò của các cấp lãnh đạo địa phương rất quan trọng, đặc biệt là về chủ trương và cơ chế phối hợp.