Mở 'cửa sổ' tuổi trăng tròn

GD&TĐ - Con bước vào tuổi trăng tròn - tuổi chuyển giao từ một đứa trẻ dần dà trở thành người lớn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ở tuổi này, con phổng phao về thể xác, nhưng tâm hồn thì vẫn trong sáng, ngây thơ và bồng bột...

Nếu như trăng rằm chỉ sáng trong đêm ngắn ngủi rồi khép lại để tiếp tục xuất hiện ở chu kỳ tiếp theo thì tuổi trăng tròn của con chính là cửa sổ bắt đầu của cuộc sống mới, nơi con nhìn ra thế giới bao la rộng lớn, quan sát, nhìn nhận và khám phá... Sự trải nghiệm ấy đã tạo nên hành trang đầu đời, giúp con tích lũy và trưởng thành.

Tuổi trăng tròn rất đẹp, nhưng cũng đầy cá tính. Đó là cái tuổi “dở dở ương ương” biến đổi tâm sinh lý, dễ vui mà thật dễ buồn. Tuổi muốn gây sự, muốn nổi loạn để chứng tỏ bản thân mình... Làm cha, làm mẹ của lứa tuổi trăng tròn là sự đan xen những cảm xúc vui buồn.

Vui vì thấy con bắt đầu phát triển, trưởng thành hơn; buồn vì có những lúc, vì yêu thương, bậc làm cha mẹ chúng ta luôn muốn bao bọc, muốn chở che, nhưng dường như, chúng vẫn muốn thoát ra, đi chệch hướng những gì mà cha mẹ đã cố gắng sắp xếp....

Vì vậy, để hiểu và dạy bảo các con cho đúng, có khi, mỗi cha mẹ nên học cách làm bạn với con. Mỗi một cậu bé, cô bé đều có những suy nghĩ và cá tính riêng, nhưng có một điều chắc chắn, ai trong chúng ta cũng đã là những đứa trẻ của cha mẹ mình, dù được yêu thương và dạy dỗ theo những cách khác nhau.

Hành trình từ một đứa trẻ - lớn lên - rồi trưởng thành và làm cha mẹ chính là những trải nghiệm thực tế để hôm nay, chúng ta hiểu và nắm bắt tâm lý, đặt suy nghĩ của mình vào cái tuổi của con để học làm cha, làm mẹ cho tốt.

Tôi vốn là một người dễ nổi nóng, đã có lúc có phản ứng gay gắt, quát tháo con, vì con làm trái ý mình. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra rằng, chính mình đã từng bị cha, mẹ mắng, áp đặt những điều mà mình không muốn. Ở thời điểm ấy, có lúc tôi cảm thấy ghét cha và chỉ muốn ông đi vắng để mình có thể tự do, làm những điều mình muốn.

Chính vì thấy mình trong câu chuyện ấy, tôi đã cố gắng thay đổi, nhiều lúc phải “nhịn” con để tránh xung đột căng thẳng. Nhưng sau đó, lựa những lúc vui vẻ, tôi muốn nói với con rằng, cuộc sống của con là do bố mẹ trao cho. Nhưng hiện tại, cuộc sống và tương lai của con, do con quyết định và phải chịu trách nhiệm về nó.

Bố mẹ nhiều tuổi hơn, đương nhiên có kinh nghiệm, từng trải hơn, nhưng lời khuyên chỉ hữu ích khi con cùng nỗ lực và hợp tác. Những thông điệp được tiếp cận một cách gián tiếp sẽ thấm dần, giúp con suy nghĩ lại và nhận ra đúng sai trong cuộc sống.

Làm cha mẹ phải mưu sinh vất vả để lo toan cho những đứa con nên hay có chung suy nghĩ là có đặc quyền với những đứa trẻ của mình, từ đó tự cho mình quyền dạy chúng theo cách mình mong muốn. Nếu chúng không nghe lời, thì bị coi là hỗn láo, không biết vâng lời. Nhưng cha mẹ không hề biết những cảm xúc chống đối ngầm nảy nở trong suy nghĩ của chúng.

Còn nhớ, một năm nọ, khi vừa ra Tết được ít ngày, con trai tôi được ông bà, bố mẹ và người thân mừng tuổi một số tiền. Thằng bé liền đem số tiền ấy tự ra cửa hàng thời trang để mua quần áo và một đôi giầy mới.

Ngay tối hôm đó, thằng bé diện bộ cánh và đôi giầy mới mua để đi học thêm, nhưng bị tôi phát hiện, quát mắng bắt phải thay ra. Đó là một bộ quần áo theo kiểu “Hiphop” chữ nghĩa loằng ngoằng phản cảm, đã vậy lại rộng thùng thình, đũng quần dài gần tới đầu gối.

Khi bị mắng, thằng bé như bị dội một gáo nước lạnh nên đã phụng phịu, cởi tuột bộ quần áo và ném vào xó nhà. Thái độ hỗn láo ấy xứng đáng nhận một cái bạt tai, nhưng tôi cũng đã kìm chế được khi nghe con nói: “Bố xem, một tháng có bao nhiêu ngày, một ngày có bao nhiêu tiếng con phải khoác lên mình bộ đồng phục ở trường. Bây giờ, con muốn được mặc bộ quần áo mà con yêu thích cũng bị cấm đoán... Con cũng có sở thích và cá tính riêng của mình chứ!”.

Thằng bé đến tuổi chuẩn bị thi vào đại học, tôi cũng nhắm một số trường thuộc lĩnh vực khoa học xã hội để con đăng ký thi. Nhưng con nói không thích, con muốn thi vào một số trường khối kĩ thuật.

Từ bé đến lớn, thằng bé chỉ biết ăn và học, đến cái xe đạp tuột xích cũng không biết làm thế nào để lắp được, cầm chiếc tuốc-nơ-vít vặn cái ốc cũng lóng ngóng mà cũng đòi thi vào khối kĩ thuật. Tôi rất lo lắng, nhưng cũng phải học cách tôn trọng sở thích của con và cũng bởi không muốn dập tắt ước mơ của nó.

Nhưng cuối cùng, thì có vẻ con đã đúng khi vào học một trường kĩ thuật và đam mê nghiên cứu khoa học. Được trải nghiệm thực tế ở phòng thí nghiệm của nhà trường, thằng bé đã biết khám phá, sửa chữa được những hư hỏng nhỏ là vật dụng trong gia đình. Vậy nên, hãy tin tưởng ở các con, vì chỉ cần có ước mơ là chúng sẽ làm được!

Bây giờ, cũng đã có thể tạm thở phào, vì con đã “dậy thì” thành công. Chúng tôi vẫn là những người bạn hai thế hệ khi trao đổi mọi vấn đề trong cuộc sống.

Vì là bạn nên có những lúc, con đã biết chia sẻ, tham khảo ý kiến của cha về những vấn đề mà con chưa chắc chắn để có được những quyết định đúng nhất cho mình và ngược lại, cha cũng phải hỏi con để nắm bắt những cái mới, nhất là về công nghệ...

Không ai dạy chúng ta cách làm cha mẹ và không có một lời khuyên nào là vừa vặn với những đứa con của mình. Hãy cứ đem tình yêu thương để dạy bảo chúng. Bởi mọi cách dạy dỗ con cái chẳng phải đều xuất phát từ tình yêu thương hay sao?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.