Mở cánh cửa “xuất ngoại” cho lao động qua đào tạo

GD&TĐ - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đến nay cả nước đã đưa được 134.751 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Một trong số các nhóm ngành nghề mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi lớn là ngành điều dưỡng và hộ lý.

Mở cánh cửa “xuất ngoại” cho lao động qua đào tạo

Nhiều thị trường tiềm năng

Điều dưỡng viên và hộ lý là các ngành trong thời gian qua đã được các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp quan tâm đầu tư bài bản trong công tác tạo nguồn, đào tạo lao động về tay nghề và ngoại ngữ trước khi xuất cảnh, cũng như tác phong, kỷ luật lao động và ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài, điển hình là công tác đưa lao động sang thực tập kỹ năng, hộ lý và điều dưỡng tại CHLB Đức và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động.

Đến nay đã có hàng trăm điều dưỡng, hộ lý đã được sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản. Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản.

Ngoài mức lương thông thường từ 130.000 - 150.000 yên/tháng, ứng viên điều dưỡng và ứng viên hộ lý sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.

Tương tự là các chương trình tuyển chọn nhân lực đang học hoặc đã tốt nghiệp trung cấp, CĐ, ĐH chuyên ngành điều dưỡng tại Việt Nam được đưa đi đào tạo chuyên môn điều dưỡng chăm sóc người bệnh tối đa là 3 năm và thi lấy chứng chỉ quốc gia nghề điều dưỡng tại CHLB Đức với mức lương thực tập từ 850 Eur/tháng.

Những người được cấp chứng chỉ quốc gia được phép làm việc tại các bệnh viện của CHLB Đức, thu nhập có thể lên tới 2.500 Eur/tháng.

Nghề trọng điểm quốc gia

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật Bản, CHLB Đức, đây là hướng đi không chỉ đem lại cơ hội việc làm cho người lao động, mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc tế của những trường đào tạo cao đẳng điều dưỡng.

Ông Lê Đức Mạnh, Chủ tịch hội đồng Trường Cao đẳng y tế Hà Nội cho biết: Nhà trường đã được phê duyệt 3 mã ngành: Cao đẳng Dược, Cao đẳng Điều dưỡng, Cao đẳng Hộ sinh là ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2025.

Điểm nhấn trong đào tạo của trường là xây dựng mô hình đào tạo Viện - Trường, giúp sinh viên được đào tạo lý thuyết kết hợp với thực hành. Sinh viên nhà trường đi làm đúng ngành y khoảng trên 60% vào làm ở ngành khác là 40%.

Thúc đẩy chương trình đào tạo lao động xuất khẩu, nhà trường đã ký một số chương trình đưa sinh viên ngành điều dưỡng đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, đào tạo ngành điều dưỡng lão khoa và được Viện Goethe của CHLB Đức công nhận cho học sinh đi du học tại Đức. Sinh viên ra trường có tay nghề tốt, việc làm tốt và thu nhập tốt.

Nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực ngành y nói chung và ngành Điều dưỡng nói riêng, trong những năm gần đây nhiều cơ sở đào tạo ngành y đã chú trọng đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề tốt, phù hợp với các thị trường lao động trong và ngoài nước.

Ngoài cơ hội phát triển của các cơ sở đào tạo, đây còn được xem là những cơ hội tốt cho người lao động khi chuẩn bị bước chân vào thị trường lao động.

Hiện nay nhiều quốc gia đang có chính sách khuyến khích tiếp nhận nguồn lao động Điều Dưỡng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế. Lý do là ngoài yêu cầu rất khắt khe của các thị trường trên thì cùng với yêu cầu về sức khỏe, tay nghề, kỹ năng, người lao động còn phải đáp ứng được các tiêu chí về ngoại ngữ, ứng xử, tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ