Đề bài ví dụ được thầy Nguyễn Thanh Nhân sử dụng như sau:
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình. Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó.
Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định“đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.
Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội.
Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống. Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận“tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác.
Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình”.
(Nguồn: Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http:// tuoitre.vn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người?
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến.
Câu 4. Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
Với đề bài này, thầy Nguyễn Thanh Nhân hướng dẫn học sinh làm như sau:
- Câu 1: Từ kiến thức lý thuyết đã nắm vững, dùng phương pháp loại trừ, học sinh dễ dàng xác định phương thức biểu đạt chính là nghị luận.
- Câu 2: Dạng câu hỏi “Theo tác giả,….”, yêu cầu học sinh tìm trên văn bản xem vấn đề được hỏi nằm ở vị trí nào trong văn bản, dùng viết gạch dưới cụm từ được hỏi đến. Tiếp theo, đọc các dòng liền trước hoặc liền sau vấn đề được hỏi để tìm câu trả lời vì chắc chắn câu trả lời sẽ nằm gần vị trí của vấn đề đang được hỏi. Yêu cầu học sinh phải bám vào lời của tác giả trong văn bản chứ không tự suy diễn vì đây là dạng câu hỏi “ Theo tác giả…” chứ không phải “ Theo các em…”
Với cách thức đó, học sinh dễ dàng tìm được câu trả lời cho câu hỏi 2 là: Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định“đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.
- Câu 3: Dạng câu hỏi “Vì sao tác giả cho rằng….”, nếu không giải thích kỹ thì học sinh sẽ dễ nhầm lẫn với câu 2. Thực tế, dạng câu hỏi này khó hơn ở câu 2 vì câu trên chỉ cần học sinh lấy ý của tác giả trong văn bản và ghi lại là được. Còn ở câu này, các em phải thực hiện đồng thời hai mức độ vừa nhận biết vừa thông hiểu.
Nghĩa là, học sinh phải nhận biết được xem vấn đề đang được hỏi nằm ở vị trí nào trong văn bản, sau đó các em phải đọc đi đọc lại vài lần xem tác giả viết như thế nhằm ngụ ý gì? Và cuối cùng phải dùng lời của mình để diễn đạt lại ý đó. Tôi yêu cầu học sinh phải viết được ít nhất 2 ý cho câu hỏi này vì thang điểm thường là 1 nên không được viết 1 ý. Có thể ngăn cách ý bằng gạch đầu dòng hoặc dấu chấm (nếu viết thành 1 đoạn).
=> Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống. Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận“tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.
Học sinh phải từ ý của các câu trên, để rút ra được ý của tác giả là: “Tầm gửi” là lối sống dựa dẫm vào người khác, là những người kém bản lĩnh, bất tài. Những người không chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích bằng chính khả năng thật sự của mình.
- Câu 4: Dạng câu hỏi “Thông điệp / bài học ý nghĩa….”. Tôi thường nhấn mạnh với học sinh rằng mỗi văn bản sẽ có ít nhất hai thông điệp có ý nghĩa. Cách làm dạng câu hỏi này là các em đọc văn bản, sau đó cảm thấy được các thông điệp nào có ý nghĩa thì chỉ chọn duy nhất một thông điệp chứ không được viết tràn lan nhiều thông điệp và chọn xong phải lý giải cho ý nghĩa của thông điệp một cách ngắn gọn nhưng rõ ràng.
Cụ thể trong văn bản trên, chúng ta thấy có hai thông điệp ý nghĩa nhất là: “Tự tin, tự trọng sẽ làm nên giá trị của con người”, hoặc “Ai cũng có ước mơ và cần phải nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khả năng của mình”. Sau đó lý giải.
Nói tóm lại, mọi thứ chúng ta phải hướng dẫn học trò cách làm, mỗi dạng câu hỏi đều phải hướng dẫn theo một quy luật nào đó để các em trình bày, tránh việc viết lan man, không đúng trọng tâm, mất thời gian, mất điểm.