Minh bạch văn bằng, chứng chỉ

GD&TĐ - Theo quy định, văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc hoàn thành chương trình đào tạo

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo quy định, văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo và hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học.

Các văn bằng hiện có gồm bằng tốt nghiệp THCS, THPT; bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, bằng đại học; bằng thạc sĩ và tiến sĩ.

Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người dự thi lấy chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Một số chứng chỉ phổ biến hiện nay có thể nói đến: Chứng chỉ ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; giáo dục quốc phòng và an ninh; bồi dưỡng giáo viên, nghiệp vụ sư phạm; chứng chỉ năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về văn bằng, chứng chỉ tương đối hoàn thiện. Phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý văn bằng, chứng chỉ được quy định rõ.

Theo đó, Bộ GD&ĐT thống nhất quản lý văn bằng, chứng chỉ; quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng giáo dục đại học; quy định mẫu các bằng tốt nghiệp: THCS, THPT, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân; quy định nguyên tắc in phôi, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ.

Các sở GD&ĐT có trách nhiệm quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; quản lý việc sử dụng phôi, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đối với các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. Phòng GD&ĐT có trách nhiệm quản lý việc sử dụng phôi văn bằng, chứng chỉ đã được cấp theo quy định và chịu trách nhiệm về việc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền.

Riêng cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Có thể nói, việc quản lý văn bằng, chứng chỉ trong những năm gần đây ngày càng minh bạch, khoa học, hướng tới học thật, thi thật, chất lượng thật. Làm nên kết quả đó có đóng góp quan trọng của nỗ lực chuyển đổi số.

Hàng triệu văn bằng, chứng chỉ được cập nhật giúp các cơ quan, người dân có thể tra cứu dễ dàng. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá nhạy cảm, được xã hội đặc biệt quan tâm, đặt ra áp lực lớn cho cơ quan có chức năng quản lý về GD-ĐT và đội ngũ làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ. Công tác này tất nhiên cần hệ thống quy định khoa học, chặt chẽ, đầy đủ; nhưng cùng với đó cũng đòi hỏi đội ngũ thực thi có chất lượng.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, đội ngũ làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ hiện còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, nhiều cơ sở giáo dục vẫn là kiêm nhiệm. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng công việc; khó tham mưu cho lãnh đạo ban hành các văn bản để quản lý văn bằng, chứng chỉ khoa học, hiệu quả, đúng quy định. Bên cạnh đó, còn một số trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả; cũng như làm giả văn bằng, chứng chỉ, phôi văn bằng, chứng chỉ. Hệ thống quản lý thông tin về văn bằng, chứng chỉ còn hạn chế…

Có nhiều giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ để làm tốt việc quản lý văn bằng, chứng chỉ trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ; xử lý nghiêm người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, văn bằng không hợp pháp...

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng các phần mềm tra cứu văn bằng, chứng chỉ. Ngoài ra, ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý văn bằng, chứng chỉ là vô cùng quan trọng, góp phần đẩy lùi gian lận trong thi, cấp chứng chỉ, nạn mua, bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ