Minh bạch và cạnh tranh hơn?

GD&TĐ - Xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá nên cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021, Nghị định 80/2023 về kinh doanh xăng dầu, công thức và cơ chế giá có thể sẽ có một số thay đổi.

Hiện nay, xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá nên cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, để tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, dự thảo Nghị định đề xuất Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá mà sẽ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá.

Nhà nước chỉ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như các loại thuế, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối trên thị trường không được vượt quá giá tính toán theo công thức.

Lý giải về việc đưa ra đề xuất này, Bộ Công Thương cho rằng nếu áp dụng, việc tính toán chi phí hàng tháng của thương nhân được giảm bớt; là cải cách trong tính toán giúp thương nhân kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ theo dõi tính minh bạch trong việc công bố giá của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nếu theo phương án này, các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường và hoàn toàn có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá đã quy định, từ đó loại bỏ việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2 của thương nhân…

Đây không phải là đề xuất mới vì trước đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu được đưa ra lấy ý kiến hồi đầu năm 2023, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra hai phương án điều hành giá xăng dầu, trong đó có phương án Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế.

Quan điểm của Bộ Công Thương thời điểm này cũng lựa chọn phương án Nhà nước chỉ công bố giá định hướng vì sẽ giúp đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là có nên để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá xăng dầu hay không? Ở góc độ kinh doanh, nhiều doanh nghiệp tán thành với đề xuất được tự xác định để đưa ra giá bán lẻ bởi khi được tự quyết, thị trường xăng dầu sẽ cạnh tranh và minh bạch. Lý do là bởi tình hình thế giới hiện nay tiếp tục biến chuyển nhanh ở từng khu vực và toàn cầu theo hướng đa cực, đa trung tâm, phức tạp, khó dự báo.

Chỉ cần một động thái cũng có thể gây ảnh hưởng đến nguồn cung hoặc có thể làm cho giá xăng dầu biến động mạnh, tăng giảm bất thường. Cho nên nếu để Liên bộ tính giá bán lẻ sẽ không phù hợp vì không theo kịp các loại chi phí phát sinh, có thể biến đổi hàng ngày trong quá trình giao dịch mua bán xăng dầu.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng, thời điểm này chưa thích hợp để “thả nổi” giá xăng dầu. Nhà nước vẫn phải khống chế, tức đưa ra giá trần để doanh nghiệp tự cạnh tranh chi phí nhằm giảm giá bán, không nên hoàn toàn để thị trường quyết định vì đây là mặt hàng chiến lược, trong danh mục bình ổn giá.

Rằng Nhà nước quản lý giá trong các trường hợp có yếu tố độc quyền, bởi nếu doanh nghiệp độc quyền sẽ làm sai lệch các yếu tố hình thành giá. Lĩnh vực, ngành nghề nào có yếu tố độc quyền thì Nhà nước phải quản lý giá, thậm chí định giá. Những mặt hàng quan trọng thiết yếu như xăng dầu, điện càng cần sự tham gia quản lý của Nhà nước. Chỉ khi nào hoàn toàn tự do cạnh tranh thì lúc đó mới để thị trường tự quyết định, định giá.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế. Vậy nên, dù lựa chọn phương án nào thì mục tiêu duy nhất phải hướng đến là bảo đảm ổn định vĩ mô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.