Miệt mài tò he Hà Nội

GD&TĐ - Mặc dù món quà tuổi thơ đã ít xuất hiện hơn ngày trước, nhưng nghề nặn tò he vẫn tồn tại, và trở thành mảnh ghép không thể thiếu của văn hóa Hà Nội.

Nghệ nhân Chu Văn Chiến truyền cảm hứng nặn tò he trên phố đi bộ Hoàn Kiếm.
Nghệ nhân Chu Văn Chiến truyền cảm hứng nặn tò he trên phố đi bộ Hoàn Kiếm.

Làng Xuân La, xã Phượng Dực (Phú Xuyên, Hà Nội) là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, những tưởng nghề nặn tò he sẽ chẳng thể bền vững.

Nhưng cũng giữa những chông chênh ấy, nhiều nghệ nhân không ngừng sáng tạo, miệt mài truyền bá thứ nghề cổ đến với muôn nơi.

Mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ

Tò he không giống như những mặt hàng khác làm sẵn tại nhà rồi mang đi bán. Tò he phải được làm ngay tại chỗ, khi khách hàng yêu cầu - đây chính là một nét đặc biệt của nghề cổ làng Xuân La. Bởi vậy, nếu tình cờ bắt gặp đâu đó hình ảnh thợ nặn tò he, thì rất có thể đó là người làng Xuân La.

Từ mấy năm nay, cứ cuối tuần là nhiều thợ tò he ở xã Phượng Dực lại có mặt trên phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm. Điều đó đã khiến nhiều người chợt thổn thức, bồi hồi khi thấy món quà tuổi thơ hiện hình ngay trước mắt. Những con vật ngộ nghĩnh, bông hoa, cây cỏ nhiều màu sắc xếp hàng ngang trên một thanh tre mỏng.

Nghệ nhân Chu Văn Chiến nói rằng, nặn một con tò he chỉ mất 10 - 20 phút, tùy thuộc vào độ khó của mỗi mẫu vật. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn cả là nghệ nhân phải có óc tưởng tượng. Sự tưởng tượng càng phong phú, sản phẩm càng đẹp mắt và gợi trí tò mò của xem.

Đến nay, ông Chu Văn Chiến đã làm công việc này gần như cả đời người. Ngày trước, một mình ông trên chiếc xe đạp mà đi khắp trong Nam ngoài Bắc.

Mỗi chiếc tò he là sự kết hợp của nhiều loại màu sắc khác nhau, khiến trẻ em rất thích thú vì vẻ ngoài lộng lẫy, bắt mắt. Do vậy, ông Chiến đúc rút nghề làm tò he là nghề mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ không thiết tha nữa thì chính tò he cũng buồn mà người nhào nặn càng buồn hơn.

Thế nhưng, nhiều lúc điều đó lại diễn ra trước mắt, vì trẻ em thời hiện đại chẳng mấy thích thú với tò he. Cũng giống nhiều nghề thủ công khác mang lại tiếng cười, niềm vui cho trẻ nhỏ như nghề làm đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi... nghề làm tò he đang phải đối mặt với sự im lặng.

Tuy vậy, những nghệ nhân ở Xuân La vẫn quyết bám nghề. Thợ trẻ Đặng Văn Thuyên nói rằng: “Đang là thanh niên, tôi có thể lựa chọn một công việc năng động kiếm nhiều tiền hơn nghề nặn tò he. Nhưng nếu cứ vì tiền mà bỏ nghề cha ông thì rồi không biết sẽ thế nào?”.

Câu hỏi của Thuyên cũng là băn khoăn của các nghệ nhân làng Xuân La. Ở những con người đang giữ nghề thầm lặng ấy, ngay cả khi tò he làm ra chỉ để trưng bày không có khách mua, thì họ vẫn kiên trì như thể đó là trách nhiệm. Đó chính là hành trình gìn giữ và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ của làng nghề truyền thống - hành trình hi vọng của những chiếc tò he trong tương lai.

Miệt mài tò he Hà Nội ảnh 1

Thành nghề từ cảnh nghèo đói

Những nghệ nhân giàu kinh nghiệm có thể sáng tạo những mẫu tò he tuyệt đẹp.
Những nghệ nhân giàu kinh nghiệm có thể sáng tạo những mẫu tò he tuyệt đẹp.

Làng nghề Xuân La đã tồn tại từ khoảng 300 năm trước và những con tò he chưa bao giờ thiếu vắng trong cuộc sống của người dân nơi đây. Những nghệ nhân lâu năm ở làng Xuân La cho rằng, cái tên tò he chỉ mới xuất hiện khoảng vài chục năm trở lại đây.

Có thể là do trước đây một số người hay nặn bột trên chiếc kèn tò te để thu hút sự chú ý của khách. Lâu dần, tiếng tò te từ chiếc kèn trở nên quen thuộc, gắn liền với những người nặn chim cò và được gọi chệch thành tò he.

Nghề nặn chim cò vốn cũng có tổ nghề, chỉ tiếc là do thời gian quá lâu nên cho đến bây giờ, không ai tỏ tường. Các cụ già kể rằng, nghề nặn chim cò xuất phát từ cảnh nghèo đói. Những lúc nông nhàn, còn ít gạo, họ giã thành bột trộn với rau dại, làm bánh hấp ăn.

Người khéo tay thì tỉ mẩn nặn thêm con chim, con cò, con gà, con vịt… cho vào chõ hấp chung với bánh. Khi chia cho con cháu, bọn trẻ thích lắm không nỡ ăn ngay, dùng để chơi, chơi chán rồi mới ăn vừa đỡ đói lòng, vừa khoái chí vì được ăn bánh với thịt chim, thịt cò bằng… bột gạo.

Tuy “thịt giả” nhưng thú vị, bọn trẻ thấy hay mắt và ngon miệng cũng về đòi bố mẹ nặn theo. Thế rồi cả xóm, cả làng nặn chim cò, gà vịt cho con chơi. Lúc đầu chỉ bằng bột gạo trắng, sau có người nảy ra sáng kiến pha màu đỏ của gấc, màu xanh của lá cây, màu vàng của nghệ, màu đen của nhọ nồi… vào bột cho đẹp mắt.

Từ việc nặn bánh theo hình con chim, con cò cho con cho cháu ăn và chơi, thấy trẻ con rất say sưa yêu thích, một số bà bày lên mẹt đem ra chợ Cống, chợ Tía, chợ Đồng Vàng, chợ Bối, chợ Bóng, Đồng Quan để bán. Đặc biệt là nặn bán ở những nơi có tổ chức hội hè, ngày lễ. Trẻ con hay người lớn mua chim cò còn được tận mắt xem nặn như xem biểu diễn nghệ thuật.

Tò he truyền thống làng Xuân La được làm bằng bột gạo và có thể ăn được.

Tò he truyền thống làng Xuân La được làm bằng bột gạo và có thể ăn được.

Ở làng nghề Xuân La thì hầu như ai cũng biết nặn tò he. Từ cụ già tuổi đã ngoài 80 đến thanh niên, hay cả những em bé còn chưa đến tuổi đi học cũng say sưa nặn tò he. Những bông hoa hồng đỏ thắm, những chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, những cô thôn nữ áo mớ bảy mớ ba rực rỡ, hay hình tượng anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc… dần hiện hình qua những đôi bàn tay khéo léo.

Các nghệ nhân thường di chuyển xa nhà, rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán, nhất là khi nơi nào có đình đám, hội hè.

Hành trang đồ nghề của họ khá đơn giản gồm một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, một cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày. Họ giống như những chú ong chuyên cần chăm chỉ, ngày ngày tỏa đi khắp nơi để nặn bán, giới thiệu tò he đến với mọi người.

Đổi mới nghề cổ

Đưa nghệ thuật tò he vào trường học.

Đưa nghệ thuật tò he vào trường học.

Đã có một thời gian, nghề làm tò he truyền thống bị mai một do không cạnh tranh nổi với những món đồ chơi hiện đại. Đặc biệt là đồ chơi Trung Quốc vừa rẻ, lại đa dạng về mẫu mã, màu sắc. Cũng bởi vậy, việc duy trì nghề làm tò he trở nên hết sức khó khăn.

Theo các nghệ nhân làng nghề Xuân La, trước đây nguyên liệu để làm tò he là bột nếp được cô đặc. Sở dĩ tò he chưa được quảng bá rộng rãi ra nước ngoài là vì nhược điểm của chất liệu tạo ra chúng. Bột gạo rất rẻ và dẻo khi nặn, nhưng lại không để được lâu, dễ bị mốc và khô nứt. Mỗi sản phẩm tò he thông thường chỉ để được từ 3 đến 30 ngày.

Hiện nay, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng mà tò he có thể được làm bằng đất sét Nhật Bản. Bởi vậy mà giá thành một chiếc tò he có nguyên liệu khác nhau cũng chênh lệch khá nhiều.

Một chiếc tò he mô phỏng nhân vật hoạt hình nếu được làm bằng nguyên liệu truyền thống chỉ khoảng 20 – 30 nghìn đồng. Tuy nhiên, nếu sử dụng đất sét Nhật Bản, mức giá có thể tăng gấp đôi, gấp ba phụ thuộc vào kích thước của chiếc tò he. Tuy giá thành cao nhưng tò he được làm từ đất sét Nhật Bản lại được nhiều người ưa chuộng vì bền đẹp và có nhiều màu sắc đa dạng.

Các nghệ nhân cũng khẳng định rằng, việc “kết nạp” đất sét Nhật Bản vào làm tò he được coi như một cuộc “cách mạng” giúp nghề có cơ hội phát triển. Trước kia, tò he được nặn từ bột gạo nếp thường bị kiến ăn hoặc có mùi khó chịu nếu thời tiết oi nồng.

Không chỉ về mặt nguyên liệu, các nghệ nhân làm tò he còn luôn phải tiếp cận với những bộ phim hoạt hình mới để có thể mô phỏng lại các nhân vật được yêu thích. Chỉ có như vậy, tò he mới thu hút các em nhỏ yêu quý và thích thú nhiều hơn.

Trên phố đi bộ hiện nay, những người dân có thể thấy các mẫu mã tò he vô cùng đa dạng. Mỗi gian hàng của mỗi nghệ nhân là một siêu thị nhỏ, cả một dãy bày bán tò he trở thành một “trung tâm thương mại tò he sầm uất” với nhiều sản phẩm rực rỡ sắc màu.

Vì thế, các em nhỏ vui chơi qua đây thường chạy quanh một vài vòng để chọn lựa, tìm kiếm trước khi mua được cho mình một chiếc tò he ưng ý nhất.

“Tò he vốn làm từ nguyên liệu bột gạo, và có thể ăn được. Còn về màu sắc, những nghệ nhân lâu năm của làng Xuân La vẫn luôn dùng các màu tự nhiên, chủ yếu được chế từ các loại rau – củ - quả. Ví dụ, màu đỏ có thể được lấy từ quả gấc, màu vàng chiết từ củ nghệ, còn lá tràm, lá riềng sẽ tạo màu xanh” - Nghệ nhân Chu Văn Chiến.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.