Trong lòng “kho báu” ấy, những câu chuyện cổ từ ngàn xưa vẫn được các “truyền nhân” lưu truyền và gìn giữ cho đến hôm nay.
Lưu giữ vốn xưa
Là một dải đất lòng chảo được bao quanh bởi núi non trùng điệp, nơi có Quốc lộ 279 xuyên qua, Nghĩa Đô không chỉ là một miền quê giàu truyền thống cách mạng mà nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa “phi vật thể” của người Tày từ bao đời. Đó là vốn văn hóa dân gian mang đậm bản sắc của dân bản địa từ bao đời nay tự hình thành, phát triển và gìn giữ một cách bền bỉ và liên tục. Phải kể đến chữ viết, câu tục ngữ, văn hóa ẩm thực, hát then, trang phục và nhà sàn. Hấp dẫn và có chiều sâu hơn cả là những câu chuyện cổ.
Nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi, người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở bản Rịa xã Nghĩa Đô, nên ông rất am hiểu về văn hóa, phong tục cũng như kho tàng văn học dân gian ở vùng này. Nhờ đó, đã nhiều năm nay, ông là một trong những người già trong bản miệt mài tìm tòi và ghi chép lại những câu chuyện cổ có nguồn gốc bản địa, là những sáng tác truyền miệng từ xưa của đồng bào Tày nơi đây.
Vào tuổi xưa nay hiếm, ông Ma Thanh Sợi không khỏi trăn trở về một ngày nào đó, những câu chuyện cổ từ ngàn đời kia sẽ theo người già xuống lòng đất và không bao giờ trở lại và thế là bọn trẻ sẽ không hề biết gì đến kho báu của bản mình. Vì vậy, từ nhiều năm nay, bất luận công việc hay sức khỏe, ông đã cất công lặn lội đi đến các bản làng Tày ở Nghĩa Đô, đặc biệt là bản Rịa nơi ông sinh sống để tìm tòi, ghi chép một cách tỉ mỉ những câu chuyện cổ dân gian của người Tày quê mình. Ông Sợi cho biết: Không ai yêu cầu ông làm như vậy mà chính lương tâm và sự tâm huyết của ông đã thôi thúc ông.
Truyện cổ của người Tày ở Nghĩa Đô rất giàu có và phong phú. Đến nay, ông Ma Thanh Sợi đã và đang tìm lại, ghi chép được 18 cuốn truyện có xuất xứ từ Nghĩa Đô. Những câu chuyện cổ ở Nghĩa Đô mang trong nó những đặc trưng của văn học dân gian như sự hình thành, phương thức tồn tại rồi môi trường diễn xướng. Theo ông Sợi, người Tày lập nghiệp và sinh sống ở Nghĩa Đô từ rất xa xưa. Do vậy, để giải thích cho hiện tượng này, hiện tượng kia hay những địa danh của bản của làng nên đã sáng tạo ra những câu chuyện cổ tích. Đó là những câu chuyện mang đậm hơi thở, cách sống, cách nghĩ và những phong tục của người Tày Nghĩa Đô.
Canh cánh nỗi lo mai một
Phương thức tồn tại và lưu truyền của truyện cổ ở Nghĩa Đô cũng có đặc trưng riêng của nó. Hầu hết các câu chuyện cổ được lưu truyền theo phương thức truyền miệng. Môi trường diễn xướng là không gian nhà sàn, ruộng lúa, triền núi, bên bếp lửa bập bùng, những lần sinh hoạt văn hóa… Không cầu kỳ ở môi trường diễn xướng, những câu chuyện cổ ở Nghĩa Đô có thể được bà kể cho lũ trẻ nghe ngay bên bếp lửa hay khi lao động, người dân kể cho nhau nghe để giải khuây và cho đỡ mệt nhọc. Rồi người lớn kể cho trẻ con nghe để giải đáp những thắc mắc nào đó của bọn trẻ về ngọn núi, con suối, ngôi nhà hay phong tục nào đó của bản Tày.
Trong cuộc sống lao động ngày nay, tuy không được kể nhiều nhưng đâu đó, ở một bản Tày nào đó của Nghĩa Đô, người ta vẫn nghe được lời kể hấp dẫn của những nghệ nhân, của người già và thầy cô giáo về truyện cổ của bản Tày. Trong đó có những câu chuyện độc đáo như: Sự tích cây Thanh Thảo; Núi Ba Cụ; Hai người bạn già gặp nhau; Bụt sửa người; Làng Chón...
Ngày nay, truyện cổ Tày Nghĩa Đô được người già trong các bản kể cho con trẻ nghe một cách hấp dẫn, hình thành trong trẻ thơ bài học đầu đời về nguồn cội của dân tộc mình. Các nhà trường ở Nghĩa Đô cũng đưa các câu chuyện cổ vào hoạt động ngoại khóa, giáo dục địa phương, lịch sử địa phương và các hoạt động trải nghiệm nhằm giúp HS có sự hiểu biết nhất định về vốn văn hóa của dân tộc mình.
Vì không được ghi chép lại nên theo thời gian, những truyện cổ ở Nghĩa Đô gần như bị lãng quên. Bởi cứ mỗi một người già của làng Tày khuất núi thì lại mang đi theo vô số truyện cổ mà chỉ họ mới biết được. Do vậy, việc tìm lại và ghi chép cẩn thận truyện cổ Tày là công việc hết sức khó khăn và tỉ mỉ. Ông Ma Thanh Sợi mong muốn được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và Sở Văn hóa - Thông tin Lào Cai hỗ trợ để ông có điều kiện hoàn thành việc khôi phục, sưu tầm văn hóa dân gian Nghĩa Đô nói chung và truyện cổ người Tày nói riêng.