“Nghiện” khoe con
Lướt trên nhiều nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những dòng cập nhật, những bức ảnh trên trang cá nhân chia sẻ về con cái, từ kỷ niệm ngày con vào lớp một, tuổi mới của con đến những hoạt động thú vị, sở thích, thói quen hàng ngày…. Ngoài ra, nhiều người vào cuối năm học tích cực khoe điểm số, thành tích của con lên mạng như muốn cả thế giới cùng chung vui.
Chị Nguyễn Kim Ngọc (cán bộ Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, trong quá trình nuôi con, gia đình rất thích chụp ảnh cho bé. Những khoảnh khắc dễ thương thường xuyên được đăng tải trên mạng xã hội. Bản thân chị cũng thích thú khi ngồi đọc những bình luận khen ngợi con, rồi khen cả chính mẹ. Lâu dần, khoe con trên mạng đã trở thành hoạt động thường xuyên với tần suất lớn hơn mà chính chị còn tự nhận là “nghiện khoe con”.
Trong khi đó, chị Phương Nhung (Ba Đình, Hà Nội) kể: Chị đồng nghiệp có cô con gái năm nay tròn 3 tuổi. Ngay từ lúc con đầy tháng là chị đã chụp hình đăng trên Facebook và Zalo. Chị Nhung và bạn bè ban đầu cũng vào bình luận con chị ấy xinh, dễ thương.
Khi con lên 3, tần suất chị khoe con càng dày đặc với những clip con khóc, con học tiếng Anh, thậm chí là con đang cãi lại… Bạn bè thấy hình ảnh con chị lên mạng nhiều quá cũng không biết khen thế nào. Cho đến khi ai nấy cũng thấy phiền vì thói thích khoe con quá đà của chị.
“Chưa bàn tới chuyện vi phạm quyền riêng tư của con cái, cha mẹ phơi bày con trên mạng xã hội rõ ràng ít nhiều gây phiền toái cho người khác, đồng thời có khi lại rước ưu phiền về cho chính người đăng hình ảnh”, chị Nhung nói.
Với đa số các bậc cha mẹ, lí do đăng tải hình ảnh của con lên mạng xã hội xuất phát từ nhu cầu tự nhiên, mong muốn được chia sẻ với mọi người niềm vui và tình yêu với con, hoặc muốn nhờ mạng xã hội lưu giữ một dấu mốc, một kỉ niệm đẹp.
Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại chia sẻ hình ảnh về con một cách quá đà, từ những khoảnh khắc rất riêng tư đến những trang phục con mặc không phù hợp, không kín đáo… thậm chí đăng tải gần như tất cả mọi thông tin, hình ảnh của con trẻ mà không lường trước những hệ lụy có thể xảy ra.
Đặc biệt, cuối năm học, mỗi dịp đi họp cha mẹ học sinh về là tràn lan trên mạng xã hội là những “thông báo” về tình hình học tập, kết quả thi cử của các con. Thế là hàng loạt thông tin của trẻ đã bị lộ ra trước “bàn dân thiên hạ”.
Tạo cơ hội cho kẻ xấu
Cô Nguyễn Thu Hồng - Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) cho biết, pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã tương đối đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, đôi khi chính các bậc phụ huynh hoặc người thân của các em lại là “nguồn” làm lộ thông tin cá nhân của con, em mình trên mạng xã hội.
Từ thông tin cá nhân của trẻ như tên tuổi, địa chỉ, trường lớp, bạn bè thân, những địa điểm vui chơi trẻ từng đến hoặc thường xuyên tham gia… kẻ xấu có thể tiếp cận tài khoản mạng xã hội của trẻ để dọa nạt, khống chế, thực hiện hành vi lừa đảo, thậm chí xâm hại trẻ em.
Cách đây không lâu, nhiều phụ huynh đã bị lừa đảo số tiền lớn với chiêu thức con bị cấp cứu. Ngoài ra, khi cha mẹ đăng tải những bức ảnh hay clip ghi lại những hình ảnh không đẹp, những câu chuyện về lỗi lầm của các con như khóc ăn vạ, cãi bố mẹ, con có hành vi sai trái. Vậy là những hình ảnh không hay, không đẹp của trẻ bỗng nhiên được công khai cho hàng trăm hàng ngàn người soi mói, bàn tán.
Kết quả là trẻ có thể phải hứng chịu những tổn thương về tinh thần khi bị chỉ trích, chê bai, phán xét. Trẻ phải đối mặt với chính những hình ảnh không đẹp của mình khi chúng đã lớn lên.
“Chúng ta thường xuyên nhìn trước ngó sau, quan sát để tránh xảy ra những nguy hiểm cho con em mình ngoài đời thực. Thế nhưng trên không gian mạng, nhiều bậc phụ huynh lại đang thiếu cẩn thận trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của con. Một trong những đặc tính của không gian mạng là tính lưu giữ thông tin cao và độ lan rộng bất kể không gian, thời gian. 1 bức ảnh, 1 dòng trạng thái hôm nay có thể lưu giữ nhiều năm sau. Vì thế trước khi quyết định chia sẻ bất cứ điều gì, hãy suy nghĩ kĩ về hậu quả, không để niềm vui hôm nay trở thành nỗi day dứt mai sau”, cô Hồng nhận định.
Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo thống kê, tỷ lệ sử dụng Internet ở trẻ từ 12 đến 17 tuổi là rất cao, chiếm 93% ở thành thị và 88% ở nông thôn. Trong đó, trẻ em gái sử dụng Internet chiếm tới 89%.
Đặc biệt, trẻ tiếp cận qua phương tiện là điện thoại thông minh chiếm tới 98%. Một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng. Trong đó, chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh một cách vô tư, thiếu kiểm soát trên MXH, forum diễn đàn… đôi khi là nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.
Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định cá nhân (kể cả trẻ em) có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó. Còn theo Luật Trẻ em, một trong những hành vi bị cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ.