Miền Trung đối mặt với 3 áp thấp nhiệt đới trong 10 ngày tới

Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm chiều nay cho biết, dự báo trong 10 ngày tới, các tỉnh miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng của ba áp thấp nhiệt đới.

Mưa lớn khiến nhiều khu vực huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) ngập sâu.
Mưa lớn khiến nhiều khu vực huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) ngập sâu.

Cụ thể, áp thấp nhiệt đới thứ nhất đang diễn ra, mạnh cấp 7 giật cấp 9; dự báo trong vòng 12 tiếng tới mạnh lên cấp 8. Trong ngày mai, áp thấp nhiệt đới gây mưa to cho ven biển, đất liền Trung Trung Bộ.

Từ ngày 10-15/10, có khả năng có thêm cơn áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão nữa ở khu vực Biển Đông. 

"Ngoài cơn áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão đã xuất hiện, cơn áp thấp nhiệt đới thứ hai tới đây cũng có khả năng mạnh lên thành bão, cơn này có hướng di chuyển hướng vào khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ", ông Lâm nhận định.

Theo ông Lâm, quỹ đạo của cơn áp thấp nhiệt đới thứ hai này còn thay đổi nhiều dù hiện nay chưa hình thành, vì dự báo khoảng ngày 14 và 15/10 sẽ có tiếp một đợt không khí lạnh nữa.

Ông Lâm cho hay, cơn áp thấp thứ hai sẽ chịu sự chi phối rất lớn từ đợt không khí lạnh trong các ngày 14 và 15/10. 

Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm.
Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm.

Cũng trong vòng từ 5 đến 10 ngày tới, tức từ ngày 15 đến 20/10, lại có khả năng có thêm một cơn áp thấp nhiệt đới, bão nữa hình thành ở khu vực Biển Đông.

"Như vậy là áp thấp nhiệt đới, bão hình thành dồn dập, liên tục trong những ngày tới. Nếu có hình thành, cơn áp thấp nhiệt đới này nhiều khả năng sẽ di chuyển vào khu vực phía Nam, Nam Trung Bộ. 

Lý do là khoảng ngày 17 và 18/10 đang dự báo sẽ có tiếp một đợt không khí lạnh nữa, nên khả năng cơn áp thấp nhiệt đới thứ ba nếu có ảnh hưởng tới khu vực phía Bắc là ít, mà khả năng ảnh hưởng tới khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ sẽ nhiều hơn", ông Lâm nói.

Ông Lâm nhận định, do ảnh hưởng của ba áp thấp nhiệt đới và hai đợt không khí lạnh, trong tháng 10 sẽ có mưa liên tiếp và "chưa thể xác định thời gian chấm dứt mưa".

Khả năng xuất hiện lũ đặc biệt lớn

Trung tâm dự báo KTTV quốc gia dự báo, những ngày sắp tới mưa rất to trên diện rộng tại các tỉnh Trung Bộ nhiều khả năng sẽ còn kéo dài.

Từ nay đến ngày 13/10, với kịch bản áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền, kết hợp với không khí lạnh có thể gây đợt mưa lớn diện rộng ở Trung Trung Bộ.

Dự báo ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có tổng lượng mưa từ nay đến ngày 13/10 phổ biến 500-700mm, có nơi trên 700mm; Quảng Trị mưa từ 300-500mm; Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên 200-400mm; Nam Hà Tĩnh 100-200mm; Kon Tum, Gia Lai 200-300mm.

Không loại trừ cục bộ có nơi mưa với cường độ rất lớn, trong thời gian ngắn, đặc biệt khi áp thấp nhiệt đới áp sát đất liền. Đây là nguy cơ lớn đối với lũ, ngập lụt, sạt lở đất.

Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế dao dộng ở mức cao, sau đó lên lại; các sông ở Quảng Nam tiếp tục lên, các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum sẽ lên. Khả năng cao xuất hiện lũ lớn và đặc biệt lớn.

Trong đợt lũ này mực nước trên các sông phổ biến ở mức BĐ3 và trên BĐ3, riêng các sông ở Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai lên mức BĐ2-BĐ3.

Cũng theo Trung tâm, sự kết hợp của các hình thái gây mưa lớn cho khu vực Trung Bộ được dự báo sẽ còn duy trì trong suốt tháng 10. Kéo theo đó là khả năng mưa lớn trên diện rộng sẽ còn xảy ra liên tục và thành từng đợt.

Mưa lớn liên tục tiếp diễn trong khi nước lũ chưa kịp rút sẽ khiến cho tính tổn thương trước thiên tai bão, mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực trung Trung Bộ là rất cao.

Thực trạng các hồ chứa khu vực trung Trung Bộ đã đầy, không còn hoặc còn ít khả năng cắt lũ, đất cũng đã ngâm trong nước nhiều ngày gây ra tình trạng bão hòa nước. Nhiều địa phương ở Trung Bộ đã bị thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt.

Ngoài ra, từ ngày 17-21/10, ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện đợt triều cường cao nhất từ đầu năm, nguy cơ gây ngập úng vùng trũng ven biển, trong TP.HCM.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.