Miền Tây vắng lũ

GD&TĐ - Theo thông lệ, thời điểm này, các tỉnh đầu nguồn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nước lũ đã tràn đồng. Nhưng năm nay, nước lũ đâu không thấy, người dân chuẩn bị ngư cụ khai thác thủy sản cũng đành ngậm ngùi nằm chờ nước…

Mùa lũ với nhiều sản vật, cá tôm giờ ngày càng xa vời với người dân miền Tây.
Mùa lũ với nhiều sản vật, cá tôm giờ ngày càng xa vời với người dân miền Tây.

Treo ngư cụ chờ lũ!

Mùa mưa năm nay ở ĐBSCL với tần suất khá nhiều làm cho người dân các tỉnh đầu nguồn hy vọng có mùa lũ “đẹp”.

mùa lũ ở miền Tây là mùa người dân làm ăn, mùa mưu sinh chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, niềm hy vọng này ngày càng xa vời khi con nước lũ ngày càng khan hiếm. Không có lũ, lượng tôm cá, nguồn lợi thủy sản cũng thất bát, người dân lâm vào cảnh khó khăn.

Hiện, người dân khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã chuẩn bị sẵn sàng ngư cụ để khai thác nguồn lợi thủy sản từ lũ. Nhưng tất cả đành ngậm ngùi vì nước lũ đâu không thấy. Các sông, kênh, rạch mực nước còn rất thấp, chưa thấy dấu hiệu nước lũ dâng lên…

Theo anh Nguyễn Văn Mách, ở xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), hằng năm, khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp thường đón lũ sớm hơn, mùng 5 tháng 5 âm lịch nước đã tràn vào đồng. Giờ đã giữa tháng 8 âm lịch, mực nước trên các sông đầu nguồn vẫn còn rất thấp. Nông dân đang rất trông đợi lũ về! 

Sốt ruột khi đầu tư xuồng, lưới với số tiền hàng chục triệu đồng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Điện, ở xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) ngồi mong con nước mỗi ngày. Theo anh Điện, từ xưa, kinh nghiệm của người dân đã bước vào tháng 7 âm lịch thì “nước nhảy khỏi bờ”.

Nghĩa là đến tháng 7 âm lịch nước lũ đầu nguồn bắt đầu dâng cao nhưng năm nay không thấy lũ về. Hiện, mực nước dưới sông, rạch vẫn ở mức thấp, điều này có nghĩa mùa lũ năm 2020 sẽ về muộn và thấp hơn nhiều so với các năm trước.

“Vợ chồng đầu tư số tiền khá lớn mua máy móc, ngư cụ để khai thác tôm cá mùa lũ. Đây là mùa làm ăn chính của người dân địa phương vì hiện nay giá cả các loại tôm cá khá cao. Tuy nhiên, chờ hoài mà lũ chưa về, tôi và bà con nơi đây rất sốt ruột”, anh Điện cho biết.

Đi về huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng bắt gặp cảnh người dân “treo” ngư cụ vì không có lũ. Người đầu tư mua chài, lưới, người mua xuồng máy, ít cũng vài triệu đồng, nhiều đến vài chục triệu.

Mọi thứ đã sẵn sàng nhưng nước lũ vẫn chưa thấy. “Vợ chồng tôi mua hàng chục cái dớn (dụng cụ bắt cá) để kiếm thêm thu nhập trong mùa lũ nhưng đến nay đồng ruộng không có giọt nước nào nên đành treo lên chờ lũ.

Tình hình như hiện nay chắc khó làm ăn vì không có lũ như trước. Làng xóng giờ cũng đìu hiu vì người trong tuổi lao động bỏ quê đi TPHCM, Bình Dương làm công nhân”, anh Nguyễn Đình Duy, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) ngậm ngùi.

Người dân vùng đầu nguồn đành xếp câu lưới chờ nước lũ.
Người dân vùng đầu nguồn đành xếp câu lưới chờ nước lũ. 

Mùa lũ thấp và nguy cơ hạn, mặn 

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo mùa lũ khu vực sông Cửu Long năm nay sẽ thấp và đến muộn so với quy luật. Hiện đỉnh lũ tại đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu; sông Hậu tại Châu Đốc thấp hơn báo động 1 từ 0,2 - 0,3m. Thời gian mực nước đạt đỉnh lũ năm nay có khả năng xảy ra vào giữa tháng 10.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo đỉnh lũ năm nay trên sông Cửu Long ở mức thấp, do tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mekong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng dòng chảy vào ĐBSCL tại trạm Tân Châu và Châu Đốc từ tháng 6 đến nay chỉ bằng 55% giá trị trung bình nhiều năm, thiếu tới 65 tỷ m3… 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, thời gian qua, hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mekong làm cho lượng mưa thấp nên mực nước sông Mekong hạ thấp kỷ lục ngay trong mùa lũ. Thứ hai, về thủy điện trên sông Mekong, trong những năm bình thường thì ít ảnh hưởng lượng nước. Nhưng khi gặp tình hình cực đoan (hạn và lũ) thì sẽ làm gia tăng cực đoan…

Trong khi đó, mực nước lũ ở ĐBSCL phụ thuộc vào lượng mưa ở các vùng phía trên nhưng lượng mưa ở các vùng này lại phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Những năm El Nino hoặc La Nina cực đoan thì biến động lớn hơn, mưa rất nhiều gây lũ lớn hoặc mưa rất ít gây hạn cực đoan… 

Trao đổi về nguyên nhân mùa lũ ở ĐBSCL ngày càng thất thường và xu hướng giảm dần, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, khoảng 10 năm qua, các số liệu về mức lũ đổ về ĐBSCL cho thấy lũ lớn giảm đi, lũ trung bình và lũ nhỏ tăng lên. Năm nay, mực nước đổ về ĐBSCL qua trạm Tân Châu còn thấp rất nhiều.

Lý do lượng nước từ sông Mekong về đồng bằng thấp một phần do lượng mưa ở phần trung du không nhiều nên lượng nước thấp. Ngoài ra, khu vực vừa trải qua một mùa khô với mức hạn hán lịch sử khiến nhiều vùng trũng, hồ chứa và lòng đất thiếu hụt nước, lượng mưa phải bù trước cho các thiếu hụt này trước khi đổ về hạ lưu…

Theo nhận định của PGS.TS Lê Anh Tuấn, với tình hình nước lũ đổ về như hiện nay thì mùa khô tới đây, vùng châu thổ đối mặt với tình trạng thiếu nước. Nông dân nên cố gắng thu trữ nước mưa bằng mọi vật chứa như lu, bể xi măng, kênh, mương, ao hồ... trữ nước mưa càng nhiều càng tốt.  

Qua các số liệu quan trắc, mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long, theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, năm 2020 có thể ĐBSCL sẽ có mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân mà theo dự báo các tháng đầu mùa khô, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ đến sớm, cao hơn, gay gắt hơn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ