Miền núi Thanh Hóa: Đìu hiu những trung tâm giáo dục thường xuyên - dạy nghề

GD&TĐ - Những trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) ở một số huyện miền núi Thanh Hóa hiện nay đang vô cùng khó khăn. Có những trung tâm GDNN -GDTX (gọi tắt là trung tâm) thậm chí không có lấy một học sinh bổ túc văn hóa hay học viên học nghề.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát (Thanh Hóa) rất ít học viên theo học
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát (Thanh Hóa) rất ít học viên theo học

Cả trung tâm không có 1 học sinh

Chúng tôi đến thăm Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vào đầu tháng 11/2018. Mặc dù đã gần hết học kỳ I của năm học 2018 - 2019, nhưng cả trung tâm này không có lấy một bóng học sinh học bổ túc văn hóa hay học viên học nghề.

Ông Hoàng Sỹ Xuân – Giám đốc trung tâm, cho biết: Năm học 2018 - 2019, trung tâm không tuyển được một học sinh nào vào để dạy hệ bổ túc THPT và cũng không có học viên đến đăng ký học nghề, trong khi đó, trung tâm này có tất cả 11 cán bộ, giáo viên và nhân viên.

“Nan giải lắm anh ạ! Công tác tuyển sinh vào trung tâm hiện nay thực sự là cả một vấn đề vô cùng khó khăn đối với anh em cán bộ, giáo viên của đơn vị chúng tôi. Mỗi năm, vào kỳ nghỉ hè, anh em cán bộ giáo viên đều phải chia nhau đi tận các bản xa xôi, hẻo lánh của huyện để vận động học sinh đến trung tâm học tập. Tuy nhiên, việc phụ huynh của các em đồng ý cho con em mình đi học tại trung tâm là rất khó. Bởi lẽ, bà con cho rằng, nếu con em họ học ở trung tâm mà không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì không cho con đi học. Chính vì vậy, cả huyện Mường Lát không có một em nào đồng ý đến học bổ túc văn hóa ở trung tâm”- ông Xuân tâm sự.

Cũng theo Giám đốc trung tâm này, công tác vận động học sinh đến trường hiện nay coi như “trắng”. Còn việc vận động học viên đến trung tâm để học nghề theo Quyết định 1956/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thì cũng chẳng có người nào đăng ký tham gia. Vì vậy, toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng phục vụ dạy và học của trung tâm coi như bỏ không.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên GD&TĐ, trung tâm này được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2012, với tổng vốn đầu tư hơn 37,5 tỷ đồng (theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững - Nghị quyết 30a, ngày 27/12/2008). Đến tháng 11/2013, công trình này được bàn giao cho huyện Mường Lát đưa vào sử dụng và khai thác. Quy mô của khu trung tâm có 4 tòa nhà, bao gồm: Nhà hiệu bộ, nhà lý thuyết (2 tầng, 6 phòng), thực hành (2 tầng, 4 phòng); ký túc xá 3 tầng, (19 phòng + nhà ăn). Theo thiết kế nhà học lý thuyết 640 m2; nhà hiệu bộ kết hợp công vụ giáo viên 820 m2; xưởng thực hành: 910 m2; nhà ở học sinh 1.350 m2, (đáp ứng cho 300 học viên).

Điều đáng nói, trong khi cả trung tâm hiện tại nay không có một học sinh theo học thì bộ máy hành chính của trung tâm này, vẫn phải bố trí 11 cán bộ, giáo viên và nhân viên để công tác tại đây. “Hiện nay, công tác tuyển học sinh bổ túc văn hóa và học viên học nghề không thực hiện được, nên trung tâm phải linh động phối hợp với Trường Trung cấp Giao thông Vận tải Thanh Hóa để mở lớp đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe máy hạng A1 cho người dân trên địa bàn huyện để tạo ra việc làm cho cán bộ, giáo viên trung tâm. Tuy nhiên, số lượng học viên hàng năm cũng không phải là nhiều”- ông Xuân cho biết thêm.

Khung cảnh như bị bỏ hoang của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa (Thanh Hóa)
  • Khung cảnh như bị bỏ hoang của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa (Thanh Hóa)

Thiếu vắng học sinh là do chính sách

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa được Nhà nước đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng rất khang trang. Tuy nhiên, thay vào đó là cảnh đìu hiu, thiếu vắng học sinh. Nhiều phòng học, phòng dạy nghề, ký túc xá đóng cửa im ỉm.

Ông Lò Đức Liêm - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa cho biết: Từ năm 2013 đến nay, tình trạng thiếu vắng học sinh đến trung tâm theo học ngày càng trầm trọng. “Năm học 2017 – 2018, trung tâm có 7 học sinh, nhưng học được hết kỳ I thì bỏ hết. Năm học này, cả trung tâm có 49 học sinh, trong đó, có 17 học sinh lớp 10; 32 học viên lớp 11 và 12. Số học viên này chủ yếu là các bí thư, trưởng bản của các xã trong huyện đến theo học. Ngoài việc dạy học sinh, trung tâm hiện nay đang dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956. Tuy nhiên, số học viên đến đây đăng ký học nghề cũng rất thưa thớt”- ông Liêm cho hay.

Quan sát của phóng viên GD&TĐ, khu dạy học của trung tâm được bố trí đầy đủ nhà hiệu bộ, phòng học và các phòng dạy nghề, như: Cơ khí, gò, hàn, điện dân dụng… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do không có học sinh đến học, nên hầu hết các phòng dạy nghề đều bỏ không; nhiều thiết bị thực hành đã và đang bị hư hỏng nặng. Còn khu ký túc xá với 2 dãy nhà cao tầng, gồm 16 phòng ở khép kín, đầy đủ tiện nghi đảm bảo chỗ ở cho 250 học sinh; nhưng, hiện tại khu ký túc xá này chỉ có vài học sinh ở lại.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao không có học sinh đến học, ông Liêm cho hay: Nguyên nhân không có học sinh đến học là vì các em không được hưởng trợ cấp của Nhà nước như học sinh ở các trường THPT. “Từ 2013, theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo học tại GDNN-GDTX không được hưởng trợ cấp tiền ăn, tiền hỗ trợ học tập…như học sinh của các trường THPT, nên học sinh không đến trung tâm để học”- ông Liêm nói.

Ông Phạm Bá Diệm - Bí thư Huyện ủy Quan Hóa cho rằng, vấn đề mấu chốt khiến Trung tâm GDNN-GDTX không có học sinh đến học là do các em thuộc diện hộ nghèo nhưng không được hỗ trợ tiền ăn, tiền hỗ trợ học tập và các chính sách như học sinh các trường công lập. Vì vậy, gia đình các em không muốn cho con em đi học.

“Thực trạng này đã được huyện báo cáo nhiều lần lên cấp trên để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg vẫn chưa sửa đổi, nên học sinh ở trung tâm GDNN-GDTX của các huyện 30A vẫn phải chịu cảnh thiệt thòi”- ông Diệm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.