Ngày 10/2/2022, Liên hoan phim quốc tế Berlin (Berlinale) lần thứ 72 chính thức khai mạc với sự tham gia của hơn 250 bộ phim đến từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vừa qua, bộ phim “Miền ký ức” của đạo diễn Bùi Kim Quy cũng đã chính thức công chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Berlin diễn ra từ ngày 10-20/2.
Bộ phim này tham gia hạng mục Forum (Diễn đàn) của sự kiện năm nay. Theo kế hoạch, “Miền ký ức” sẽ công chiếu 5 buổi tại 5 rạp ở Berlin từ ngày 14-19/2.
Sau Liên hoan phim quốc tế Berlin, “Miền ký ức” sẽ tham dự liên hoan phim Doc Fortnight tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York (Mỹ) vào cuối tháng 2 này.
Được biết, đạo diễn Bùi Kim Quy sinh năm 1983 ở Hà Nội, tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Chị từng thực hiện các phim ngắn "Cái đệm" (giải nhất Liên hoan Phim ngắn toàn quốc 2003), "Đã qua giao thừa" (2005), "Sao ban ngày không có mặt trăng" (2006), "Khung trời ảo vọng" (Giải khuyến khích Liên hoan Phim ngắn toàn quốc 2007); viết kịch bản "Con người ta", "Ngủ mơ", "Người truyền giống" và đồng tác giả kịch bản "Lời nguyền huyết ngải", "Cưới ngay kẻo lỡ".
"Miền ký ức" dài 99 phút, kể hai câu chuyện riêng rẽ về cái chết và kết nối lại ở phần cuối.
Câu chuyện đầu tiên kể về một người mẹ qua đời với tâm nguyện được chôn cất trên mảnh đất của bà ở vùng quê. Người hàng xóm đã đào một ngôi mộ cho bà, nhưng đứa con trai túng thiếu lại muốn hỏa táng.
"Ở thành phố, ai cũng được hỏa táng" - anh con trai nói. Còn người hàng xóm có niềm tin: "Chỉ có đất mới nuôi dưỡng được tâm hồn người".
Câu chuyện thứ hai kể về góa phụ trẻ tuổi, có người chồng là công nhân xây dựng mới qua đời. Nghi lễ tiễn đưa người chết và chi phí của đám tang là những yếu tố được khai thác lặp đi lặp lại trong phim, như việc đặt gạo và tiền vào miệng người chết hay đốt vàng mã.
Phim khai thác mâu thuẫn giữa lễ nghi và tính thực tế, sự hòa hợp và bất hòa, những tâm nguyện và lựa chọn khó khăn, tất cả đều cạnh tranh với nhau trong cuộc chiến để đạt được sự yên nghỉ lâu dài cho người thân yêu đã khuất...
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, những phong tục này dần thay đổi, được thể hiện thông qua sự đan xen giữa cuộc sống nông thôn và thành thị, giữa một bên là những ồn ào, náo nhiệt với với vô số hoạt động của cả người và các loại phương tiện, một bên là những ngôi làng dần bị bỏ hoang.