Mexico lo lắng chảy máu chất xám

GD&TĐ - Nằm giáp biên giới với Mỹ, Mexico đang “chịu trận” chứng kiến nhân tài sang nước láng giềng du học và lưu lại làm việc, những nhân tài còn sót lại trong hệ thống đào tạo quốc nội cũng tìm đường sang Mỹ sau khi nhận bằng…

Mexico lo lắng chảy máu chất xám

Người tài bỏ sang Mỹ

Năm 2013, 14.199 công dân Mexico (không thuộc diện
nhập cư) du học tại Mỹ, đưa Mexico trở thành quốc gia đứng thứ 9 về xuất khẩu du học sinh sang Mỹ, theo Viện Giáo dục quốc tế Mexico.

Điều đáng lo là những “máy cái”, nghĩa là những giảng viên đại học trình độ cao đang nối nhau sang Mỹ khiến cho hệ thống đào tạo đại học Mexico ngày càng rỗng ruột. Trong 73.000 giảng viên Mexico có bằng tiến sĩ, 20.000 người đang sống và làm việc tại Mỹ.
Ủy ban Dân số quốc gia Mexico cũng ước tính “cứ 19 người Mexico sống tại Mexico có bằng đại học trở lên thì có 1 người đang sống tại Mỹ”. 

Thu nhập là một thước đo hữu ích dự báo tình hình chảy máu chất xám. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy những người Mexico có bằng tiến sĩ thu nhập 111 peso/giờ tại Mexico, trong khi họ kiếm được 376 peso/giờ tại Mỹ. Theo Ngân hàng Thế giới, Mexico chỉ chi trung bình 0,5% GDP cho nghiên cứu và phát triển năm 2011, trong khi Mỹ chi 2,79%.

Đây cũng là yếu tố quan trọng khi những chuyên gia giáo dục, kĩ thuật cao tìm đến môi trường có hạ tầng nghiên cứu tốt và trả lương tương xứng với trình độ của họ.

Sa sút chất lượng giáo viên các cấp 

“Chảy máu chất xám” trong một thời gian dài ở nhóm giảng viên đại học cũng gây ảnh hưởng xấu tới ngành đào tạo sư phạm, với chất lượng giáo viên được đánh giá là rơi vào khủng hoảng. Năm 2010, chính quyền Mexico tổ chức cuộc thi đánh giá trình độ 71.000 giáo viên trên toàn quốc.

Họ phải tham gia thi nếu muốn được nhận vào giảng dạy tại các trường công. Rất nhiều người Mexico cảm thấy choáng váng khi có tới 70% giáo viên thi trượt. Điều đáng nói là hàng ngàn giáo viên thi trượt đã được tuyển làm hợp đồng và họ đi thi chỉ để kiếm hợp đồng dài hạn. Giáo viên năng lực kém ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng học sinh.

Vào tháng 4/2008, Bộ Giáo dục tổ chức cuộc thi đánh giá học lực trong các môn Toán và ngôn ngữ của học sinh tiểu học và trung học. Trong khoảng 34 triệu học sinh các trường công, chỉ 3,8% đạt điểm tốt. Ở các trường tư cũng chỉ 20% trong số 800.000 học sinh đạt được mức điểm này. Kết quả này tương tự như các kỳ thi năm 2006 và 2007. 

Trong khi nhiều bất cập trong GD còn chưa được cải thiện thì Luật Giáo dục cải cách mới vấp phải nhiều sự phản đối. Hồi đầu năm nay, đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành phản đối Luật Giáo dục cải cách mới. Đầu tháng 2, có hơn 6.000 giáo viên, chủ yếu đến từ bang miền Nam Oaxaca, tiến hành mít tinh, tuần hành và cắm lều trại trên các đại lộ lớn tại thủ đô Mexico City, gây ách tắc giao thông triền miên.

Cuộc mít tinh tuần hành của giáo viên trong hai ngày gây thiệt hại 10 triệu peso/ngày (700.000 USD) cho 26.000 doanh nghiệp bán lẻ dọc theo các đại lộ lớn tại Mexico City, đặc biệt là đại lộ Reforma; giao thông bị đảo lộn, sinh hoạt đi lại gặp nhiều khó khăn, trong khi hơn 1,3 triệu học sinh thuộc 13.500 trường buộc phải nghỉ
học do không có giáo viên. 

Theo Luật Giáo dục cải cách mới, giáo viên phải qua thi tuyển và phải được sát hạch hàng năm theo kế hoạch của ngành Giáo dục. Nếu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn sẽ không được đứng lớp. Tuy nhiên, việc thi tuyển do 2 tổ chức công đoàn ngành đứng ra tổ chức chứ không phải do các cơ quan chức năng quản lý giáo dục thực hiện. Kẽ hở này trong cách quản lý đã dẫn đến tình trạng tham nhũng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.