Tôi sống cùng với mẹ chồng. Đó cũng là lẽ thường vì chồng tôi là con trai duy nhất nên sau khi cưới xong thì tất cả chúng tôi sống cùng nhau ở Hà Nội. Vì chưa có điều kiện mua nhà, mà bố mẹ đẻ của tôi lại có một căn nhà không dùng đến nên chúng tôi được ông bà cho mượn tạm để ở.
Nếu chỉ sống riêng với mẹ chồng thì mọi chuyện cũng không đáng nói.
Tôi không ngại sống chung bởi mẹ chồng tôi là người dễ tính, chiều chuộng con cái và tôi cũng thấy mình là người biết điều. Tuy nhiên, có một điều mà tôi khó lòng mà thấy thoải mái, đó là việc nhà chồng hầu như cuối tuần nào cũng thích sang nhà tôi tụ tập và ăn uống. Nếu các anh chị chồng tôi không sang, mẹ chồng tôi lại gọi điện để các con và cháu tới. Niềm vui của bà là được thấy con cháu quây quần bên nhau. Tôi hiểu điều đó, nhưng đôi khi lại nghĩ, không biết bà có nghĩ đến cảm giác của tôi không? Tuy là người trong gia đình, nhưng với tôi họ cũng là khách. Bạn nghĩ thế nào khi sau chuỗi ngày làm việc, cứ cuối tuần lại đón “phái đoàn đặc biệt” gồm cả cả người lớn và trẻ con?
Nếu chỉ sang chơi chuyện trò hỏi thăm sức khỏe đơn thuần, tôi không nói. Nhưng mỗi lần như vậy thường là từ sáng đến tối. Ngày hai bữa cơm, chưa kể đàn ông gặp nhau là bia rượu, cà kê. Cơm nước thì tôi không phải làm nhiều, vì cũng bận chăm con nhỏ, nhưng thực sự là những buổi ăn uống ấy khiến tôi thấy mình không còn thời gian cho riêng gia đình nhỏ của mình.
Chẳng hạn, cuối tuần tôi muốn cho con đi chơi, tham quan đâu đó, nhưng nếu các anh chị tới thì hoặc ở nhà ăn uống hết ngày, hoặc nếu muốn đi thì tất cả cùng đi. Và thường vợ chồng tôi sẽ chi trả chi phí vì chúng tôi vẫn được gọi là “có điều kiện” hơn. Nhiều người có thể tặc lưỡi, mỗi tuần một lần, không đáng kể và có thể cho rằng tôi hẹp hòi tính toán. Nhưng hãy thử hình dung, nếu cả gia đình đi đi chơi đông đủ cả lớn và bé, thì có buổi đi chơi cũng phải 1-2 triệu, cả tiền phí vui chơi và ăn uống.
Ngoài ra, lũ trẻ con cũng khiến tôi khá đau đầu, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Những ngày chúng tôi ở nhà, lũ trẻ đang ở lứa tuổi hiếu động không thể ngồi yên ăn uống và nói chuyện theo kiểu người lớn. Chúng có thể xem tivi hoặc máy tính. Nhưng việc ấy chẳng giữ chân chúng được lâu. Rồi căn nhà nhỏ của tôi biến thành đủ thứ: cầu thang thì thành cầu trượt, rèm cửa biến thành nơi trốn tìm hoặc chỗ để đánh đu, cửa sổ biến thành chỗ tập xà, chổi thành kiếm, gối thành khiên, còn phòng ngủ biến thành chiến trận,… Những âm thanh ban đầu nghe có vẻ vui vẻ và tinh nghịch của trẻ con, nhưng khi chúng cứ tiếp tục như vậy thì cực inh tai nhức óc. Tôi nói chúng bớt nghịch thì chúng không nghe, còn nhiều khi những trò đùa quá trớn của chúng khiến bực mình, tôi cũng không thể mắng, đánh được, vì là con của anh chị chồng. Vì không muốn trẻ con làm mất lòng người lớn, tôi đành bấm bụng cho qua.
Những ngày nghỉ cuối tuần và việc ăn uống, chuyện trò vốn là biểu hiện niềm vui và sự đoàn tụ. Nhưng với tôi, càng nhiều ngày nghỉ, càng thấy mệt hơn những ngày đi làm vì ngoài chăm sóc con, còn phải thêm việc tiếp khách. Cực chẳng đã, tôi cũng đã nói chuyện nghiêm túc với chồng, mong chồng hiểu và tìm cách hạn chế việc tụ tập. Nhưng chồng lại nói chúng tôi nên chiều mẹ, vì bà vốn cũng ở nhà cả tuần cũng buồn, chỉ có cuối tuần là dịp để được gặp con cháu và bận rộn với gia đình. Niềm vui tuổi già chỉ có thế, không nên vì mình mà đánh mất niềm vui ấy.
Lời chồng nói khiến tôi thấy mình giống như một đứa con dâu hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình. Tôi không biết phải bày tỏ thế nào cho hợp lẽ, nhưng giờ thì tôi cảm thấy việc này thực sự khiến tôi mệt mỏi. Chẳng lẽ, tôi muốn được nghỉ ngơi mỗi cuối tuần cũng là việc khó đến thế?