'Mẹo' gỡ khó triển khai dạy Tin học lớp 3 ở Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngành Giáo dục nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có những phương án gỡ khó khi triển khai Chương trình mới.

Học sinh Trường Tiểu học An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học Tin học.
Học sinh Trường Tiểu học An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học Tin học.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về đội ngũ và cơ sở vật chất khi triển khai dạy học môn Tin học cho khối lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018, nhưng nhờ sự chủ động, ngành Giáo dục nhiều địa phương đã có những phương án cụ thể đảm bảo việc học cho trò.

Linh hoạt phân công giáo viên

Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng cảnh ngộ thiếu giáo viên khi triển khai môn Tin học bắt buộc ở lớp 3. Để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục đã linh hoạt trong việc phân công giáo viên dạy liên trường, liên cấp trong cùng địa bàn.

Ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, từ năm học 2019 - 2020 đến nay, ngành Giáo dục thành phố đã triển khai dạy học môn Tin học và các hoạt động giáo dục liên quan đến tin học ở 122/169 trường. Trong đó, học sinh khối 1 và 2 được làm quen môn Tin học là 1.540/36.261 em, đạt tỷ lệ 4,25%. Học sinh từ khối 3 đến khối 5 được học môn Tin học là 50.530/61.696 em, đạt tỷ lệ 81,90%.

Một số cơ sở giáo dục có điều kiện thuộc quận Thốt Nốt, Bình Thủy, Ninh Kiều tiếp tục triển khai thực hiện STEM - Khoa học máy tính với 321 em/14 lớp và 156 em/7 lớp Robotics. Nhờ chủ động sớm nên khi Tin học trở thành môn học bắt buộc ở lớp 3, đội ngũ giáo viên Tin học được bố trí sẵn sàng, với gần 150 người. Tuy nhiên, huyện Cờ Đỏ, Thới Lai lại thiếu giáo viên, vì thế huyện chủ động phân công giáo viên giảng dạy Tin học dạy liên trường.

Năm học 2022 - 2023 huyện Chợ Mới (An Giang) có 24 giáo viên tham gia tập huấn bồi dưỡng chuyên môn dạy môn Tin học lớp 3. Ngành Giáo dục huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí số giáo viên này đảm nhiệm dạy môn Tin học lớp 3 cho tất cả 45 trường tiểu học trên địa bàn huyện, bình quân mỗi giáo viên dạy 2 đơn vị trường cùng xã. Việc phải đảm nhận công việc ở hai điểm trường cũng gây nhiều khó khăn, thế nhưng các giáo viên được phân công giảng dạy đều nhiệt tình ủng hộ và đồng thuận cao.

Cô Cao Thị Kiều Nguyên, giáo viên Trường Tiểu học A thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn, An Giang) cho biết: “Dịp hè năm 2022, tôi được ngành Giáo dục huyện cử tham gia lớp bồi dưỡng giáo viên Tin học lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018 do Sở GD&ĐT phối hợp với Trường Đại học An Giang tổ chức.

Năm học này, ngoài điểm Trường Tiểu học A, tôi còn được phân công giảng dạy thêm điểm trường trên địa bàn xã. Mặc dù phải vất vả di chuyển qua lại giữa hai điểm trường nhưng vì học sinh, tôi cố gắng phối hợp cùng ban giám hiệu, sắp xếp và bố trí thời khoá biểu, lịch dạy phù hợp để đảm bảo 100% học sinh được học tập môn Tin học”.

Học sinh lớp 3 ở An Giang được học với máy tính mới do Quỹ Dariu tài trợ.

Học sinh lớp 3 ở An Giang được học với máy tính mới do Quỹ Dariu tài trợ.

Chủ động khắc phục tình trạng thiếu phòng máy

Ở ĐBSCL, một số trường học chưa được đầu tư kịp thời phòng máy vi tính cũng đã chủ động các phương án để khắc phục. Phương án giải quyết là điều chuyển máy vi tính từ trường có nhiều sang trường chưa có máy, vận động kêu gọi chia sẻ việc dạy môn Tin học ở lớp 3, đảm bảo các tiết thực hành trên máy vi tính.

Ông Dương Minh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) cho biết, ngoài những phòng máy tính của một số trường hiện có, phòng GD&ĐT đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ được trên 100 bộ máy tính trang bị cho những nơi bị thiếu để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện việc dạy học Tin học cho 100% học sinh lớp 3 trong toàn huyện.

Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ có 14 trường tiểu học và 9 điểm lẻ. Ngành Giáo dục huyện đang gặp khó về cơ sở vật chất do một số điểm trường đã xuống cấp, chưa được bổ sung, sửa chữa kịp thời phục vụ giảng dạy môn Tin học. Một số điểm lẻ của huyện cũng đang chuẩn bị xoá do ít học sinh nên gặp khó khăn trong việc bố trí máy tính để phục vụ cho bộ môn Tin học.

Ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay: “Để khắc phục những hạn chế trên, từ năm học trước, ngành Giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường tập trung rà soát và thống kê cơ sở vật chất phục vụ cho Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là máy tính giảng dạy môn Tin học, từ đó tham mưu và đề xuất bổ sung kịp thời.

Trong thời gian chờ đợi, ngành chỉ đạo các trường sắp xếp thời khoá biểu hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế đảm bảo giảng dạy môn Tin học cho khối lớp 3, 4 và 5. Riêng một số trường có điểm lẻ trên địa bàn huyện còn thiếu phòng máy, địa bàn lại khá xa điểm chính, các trường đã chủ động, linh hoạt bằng cách kết nối tivi với máy tính và cho từng học sinh lên thực hành, giúp các em làm quen với tin học.

Trường Tiểu học Trường Long 2, huyện Phong Điền, Cần Thơ là một trong những trường áp dụng cách dạy học kết nối này. Nhà trường đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học môn Tin học tại điểm chính. Tuy nhiên trường cũng gặp khó trong việc triển khai môn Tin học lớp 3 tại điểm lẻ, do thiếu phòng máy và địa bàn ở xa điểm chính, việc đi lại giữa hai điểm cũng bất tiện. Trước mắt, nhà trường khắc phục tạm thời bằng cách sử dụng máy tính của trường kết nối với máy chiếu, sau đó hướng dẫn, giảng dạy và cho từng học sinh lên thực hành.

“Năm học này điểm lẻ chỉ có 12 học sinh lớp 3 nên với giải pháp trước mắt cơ bản thực hiện được việc dạy học môn Tin học. Để đảm bảo triển khai cho những năm tiếp theo, nhà trường đã tham mưu đề xuất phòng GD&ĐT trang bị thêm 1 phòng máy”, thầy Đặng Văn Tươi, Hiệu trưởng thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ