Nhiều cặp đôi cảm thấy họ không thể giao tiếp với nhau, họ bắt đầu cãi nhau ngay khi mở miệng hoặc đối phương không phản hồi gì cả.
Nhưng chỉ cần bạn nhớ lại rằng mối quan hệ giữa hai bên không đến nỗi tệ trong những ngày đầu của hôn nhân, thì không khó để nhận ra rằng sự bế tắc và hoang tưởng trong quan hệ hôn nhân hiện tại thường là kết quả của rất nhiều tổn hại và sự trả thù vô ý mà cả hai bên tích tụ trong nhiều năm.
Hãy suy nghĩ thật kỹ, những cảnh tượng và cuộc hội thoại sau đây có quen thuộc đối với bạn không?
Người vợ bận rộn với công việc nhà trong khi người chồng nhàn nhã xem TV. Người vợ không khỏi phàn nàn: “Anh chỉ biết xem tivi. Anh lười quá, chẳng bao giờ giúp vợ làm việc nhà”. Người chồng trả lời: “Thà xem TV còn hơn suốt ngày chửi rủa người khác”.
Trong buổi họp mặt gia đình tại một quán trà, người vợ vô tình hoặc cố ý đã nói trước mặt mọi người: “Anh T. bên hàng xóm đối xử với vợ rất tốt... chả bù cho chồng tôi... Chả hiểu sao ngày xưa tôi lại lấy anh ấy nhỉ?”.
Giao tiếp tiêu cực thường không giải quyết được vấn đề mà còn gây ra sự oán giận giữa hai bên. Cải thiện giao tiếp là bước đầu tiên để thay đổi các mối quan hệ.
Dưới đây là một số nguyên tắc để nói và nghe hiệu quả. Hai vợ chồng nên suy nghĩ xem liệu có cần cải thiện cách nói chuyện và thể hiện bản thân hay không.
Chọn thời gian và địa điểm cẩn thận
Chỉ bày tỏ ý kiến tiêu cực vào đúng thời điểm (chẳng hạn như khi mọi người đều rảnh) và ở môi trường phù hợp (chẳng hạn như nơi yên tĩnh và riêng tư).
Tập trung vào vấn đề chính, không lan man và mỉa mai. Ví dụ, “Em rất tức giận khi anh nhàn nhã xem TV trong khi em đang vật lộn làm việc nhà”, thay vì nói rằng người kia lười biếng.
Tập trung thể hiện bản thân
Hãy cho đối phương biết cảm xúc của bạn và cách bạn muốn đối phương hợp tác, chẳng hạn như: “Em thấy mệt khi làm việc nhà, em muốn anh giúp lau cửa sổ!”.
Giữ bình tĩnh
Không hành xử hung hăng, chẳng hạn như sử dụng ngôn ngữ tục tĩu hoặc thậm chí la hét không kiểm soát, đập phá đồ đạc hoặc sử dụng bạo lực. Điều này chỉ khiến đối phương thấy sợ hãi và tránh xa bạn.
Đánh giá biểu hiện của người kia
Hãy chắc chắn về phản ứng của người kia trước khi tiếp tục, điều này có thể làm giảm sự tích tụ cảm xúc tiêu cực quá mức ở cả hai bên.
Khen ngợi một cách hào phóng
Đừng quên bày tỏ lòng biết ơn và sự trân trọng khi thích hợp.
Không buộc tội
Nếu bạn liên tục buộc tội, đối phương sẽ chỉ nhận được sự ác ý của bạn và không thể nghe được những gì bạn nói.
Không nên tỏ ra kiêu ngạo
Không cho đối phương nói sẽ không có ích gì, điều bạn cần làm là duy trì giao tiếp hai chiều.
Những từ ngữ cực đoan sẽ chỉ khiến đối phương cảm thấy khó chịu. Công bằng mà nói, không phải lúc nào đối phương cũng cư xử tệ với bạn trong suốt những năm qua.
Cố gắng giữ bình tĩnh và chú ý đến nỗi đau ẩn sau cảm xúc của đối phương. Nếu bạn chọn cách chống trả, cuộc chiến tàn khốc giữa hai người sẽ không bao giờ kết thúc; nhưng nếu bạn chọn lắng nghe trước, đối phương sẽ cảm thấy được tôn trọng và chấp nhận, từ đó những cảm xúc mãnh liệt ban đầu sẽ được giải tỏa.
Đặt mình vào vị trí của đối tác
Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ở vị trí của đối tác. Nếu bạn có thể xem xét vấn đề theo góc nhìn của người khác, bạn sẽ dễ hiểu và thông cảm với họ hơn.
Bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của bạn
Ngoài việc lắng nghe một cách chăm chú, bạn cũng nên sử dụng biểu cảm khuôn mặt để cho người khác biết rằng bạn đang chú ý, chẳng hạn như gật đầu hoặc thỉnh thoảng nói “ừm”.
Không ngắt lời đối phương
Khi người kia đang nói, bạn chỉ nên đặt câu hỏi hoặc gợi ý sau khi họ nói xong, hoặc cố gắng tóm tắt ngắn gọn những gì người kia đã nói để làm rõ vấn đề.
Ngay cả khi bạn không đồng ý với đối phương, cũng đừng phán đoán quá nhanh. Những gì đối phương bày tỏ chỉ là suy nghĩ cá nhân, không nhất thiết phản ánh đúng sự thật.
Lắng nghe một cách kiên nhẫn không có nghĩa là bạn đồng ý với quan điểm và lập trường của đối phương. Nó chỉ thể hiện sự tôn trọng bạn dành cho đối phương, cũng như sự chấp nhận của bạn đối với cảm xúc và nhu cầu của anh ấy/cô ấy.