Riêng gạo nếp đã có bà nội em Lân gửi xuống cả yến khi hay tin Tết này gia đình bá về quê từ sớm.
Vừa kịp hít hà bầu không khí trong lành, dì liền “lùa” những thiếu niên lộc ngộc ra bờ sông trước cửa nhà rửa lá dong. Nước trong, tay khéo, chuyện vui, ào cái là xong. Dì lúi húi đãi đỗ, ngâm gạo nếp… bận tíu bận tít mà vẫn rổn rảng tiếng cười.
Ở nhà trong, ông ngoại thoăn thoắt xếp củi, kê bếp, rồi lại giở đồ nghề thợ mộc năm xưa ra đóng thêm cái khuôn... Bà ngoại cũng xủng xoảng nồi quân dụng cất kỹ bao năm. Công tác hậu cần chuẩn bị cho nồi bánh chưng đón Tết cứ chộn rộn như thế từ chiều hôm trước.
Tờ mờ sáng 27 Tết, chú dì công kênh mọi thứ tới nhà ông ngoại. Đám trẻ mọi ngày ngủ nướng tận 8 – 9 giờ nay nhanh chóng í ới gọi nhau trải chiếu sẵn sàng vào việc. Từng cặp được phối hợp từ cắt lá đến đặt lạt, đổ gạo, đỗ… và bước vào cuộc đua: Ai khéo, ai nhanh.
Lần đầu tổ chức trải nghiệm cho đám thiếu niên nên những “ông thầy” bộ đội được dịp “ra quân huấn luyện”: Cắt lá thế nào để không bị hụt. Việc cho đỗ cũng phải thật khéo, không lan góc. Nhất là công đoạn buộc lạt, mạnh tay quá sẽ làm rách lá dong mà để lỏng lẻo cũng không được…
Miệng liên hồi nhắc bài nhau, vậy nhưng khi báo cáo sản phẩm đầu tiên, đám trẻ cùng bật cười nắc nẻ. Có khuôn giữ nên cũng thành hình vuông đấy nhưng chiếc thì áo trong thập thò, chiếc thì ơ sao lọc xọc thế này… “Không sao, thế mới gọi là lần đầu chứ. Cứ cho cả vào đây, ông sẽ hô biến thành đẹp hết”, ông ngoại đón niềm vui từ xa.
Bập bùng theo ánh lửa rồi thay nhau thêm củi, chêm nước suốt 12 tiếng thì mới có thể đón những chiếc bánh chưng chín rền để chú tiếp tục nhúng chúng vào nước lạnh, rửa sạch và xếp bằng trên tấm gỗ và ép.
Cỗ đoàn viên sớm từ trưa 28 Tết bắt đầu hiện diện những “tác phẩm đầu tay” làm đám trẻ mừng quýnh. Ui chao, sau những ngắm nghía lớp áo xanh dịu và ồn ào nhận thành phẩm, đứa nào đứa nấy thin thít cảm nhận độ rền dẻo của gạo, bùi của đỗ, ngậy của thịt. Tất cả cùng hòa quyện bởi tình thân gia đình!