Chị Thu Hằng, một cán bộ ngân hàng ở quận Hai Bà Trưng Hà Nội chia sẻ: "Sau khi sinh em bé, có lúc mình định lấy quần áo thay cho con, nhưng sau đó mình nghĩ mãi không nhớ ra định làm gì". Lúc đầu, chị Hằng cảm thấy hoang mang và lo sợ nhưng sau một thời gian, qua tham khảo, chị đã đúc kết được kinh nghiệm để "chữa" tính hay quên của mình và muốn chia sẻ cho các mẹ cũng đang ở tình trạng tương tự.
Khi biết mình có dấu hiệu mắc "bệnh quên" này, đừng ngại chia sẻ với người thân để mọi người có thể thông cảm, tránh việc một mình phải chịu đựng rồi suy nghĩ, lo lắng. Khi có được sự cảm thông và quan tâm của người thân, các mẹ sẽ cảm thấy bớt căng thẳng và yên tâm hơn. Chị Hằng kể, có lần đặt ấm nước trên bếp, chị quên không tắt bếp làm nước cạn hết và cháy ấm, thật may, mẹ chồng là người âm thầm "thu dọn chiến trường" mà không hề phàn nàn hay nặng nhẹ gì cả. Còn chồng chị sau khi biết bệnh này của vợ cũng để ý mọi việc hơn và thường xuyên nhắc chị khi thấy vợ có vẻ quên việc.
Việc ghi chép vào sổ tay hay dùng chức năng "lời nhắc" trên máy điện thoại cũng là một cách nhắc việc đắc lực. Các mẹ nên sắm một quyển sổ tay, ghi chép các đầu mục việc cần làm, sau đó gạch những việc đã làm xong để tránh bị nhầm với mục việc chưa làm. Ngoài ra, việc sử dụng chức năng "lời nhắc" trên điện thoại di động cũng tiện lợi, nếu quên mở sổ thì sẽ có chuông báo của điện thoại. Tuy nhiên, sau khi ghi chép đầy đủ, một việc quan trọng đối với các mẹ "hay quên" là phải nhớ mang theo sổ và điện thoại đi cùng.
Khả năng của mỗi người có hạn nhưng vì ôm đồm cùng lúc quá nhiều công việc khiến các bà mẹ hay nhớ nhớ, quên quên. Ảnh minh họa: Mommyish. |
Nhiều mẹ vì luôn lo lắng không thể hoàn thành hết các đầu mục công việc đặt ra nên đang làm việc này đã vội lo nghĩ cho công việc tiếp theo. Kết quả là nhiều lúc, công việc cần làm ngay thì bị bỏ quên hoặc được làm một cách qua quýt, trong khi chuyển sang làm việc khác cũng chẳng đạt kết quả như mong muốn. Chị Thu Hằng chia sẻ: "Các mẹ nên bình tĩnh, tập trung hoàn thành lần lượt từng việc một. Việc nào cần làm trước thì làm trước, sau đó chuyển sang làm việc kế tiếp".
Ngoài ra, các mẹ cũng cần chú ý duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để giảm chứng hay quên của mình. Đặc biệt nên tăng cường ăn rau xanh, hoa quả và các nước uống nhiều vitamin để tạo cảm giác hưng phấn, tươi trẻ. Chị Hằng cho biết, việc tranh thủ ngủ đủ giấc có thể giúp các mẹ phục hồi lại sức khỏe và tỉnh táo nhanh chóng. Nếu có điều kiện, hãy đăng ký tham gia vào các câu lạc bộ như yoga, aerobic, khiêu vũ... để tăng cường sức khỏe, từ đó nguy cơ "hay quên" cũng giảm dần. Trường hợp các mẹ không thể ra ngoài thì tập thể dục tại nhà theo băng đĩa hay tập theo chương trình thể dục buổi sáng của đài truyền hình.
Ra ngoài gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp cũng là một cách làm các mẹ vui vẻ, phấn khởi và phục hồi chứng hay quên. Sự chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp sẽ giúp cho các mẹ có thêm nhiều kiến thức nuôi dạy con cũng như kinh nghiệm làm việc để vừa đảm đương được việc nhà và việc cơ quan. Áp lực được giải tỏa, có được một tâm lý thoải mái, tự tin sẽ giúp các mẹ tăng cường trí nhớ và sự tập trung để làm việc hiệu quả hơn.