Mèo 'biến hình' trong hội họa Việt

GD&TĐ - Không chỉ là nguồn cảm hứng của giới mỹ thuật, những chú mèo luôn đem lại sự độc đáo trong hành trình sáng tạo.

Mỗi tác phẩm về mèo của Nguyễn Tấn Phát đều là độc bản.
Mỗi tác phẩm về mèo của Nguyễn Tấn Phát đều là độc bản.

Mỗi họa sĩ có cảm nhận khác nhau về loài mèo, nên khi sáng tạo về con vật đứng thứ 4 trong 12 con giáp - sự hòa hợp, hiền lành và linh hoạt luôn là yếu tố để họa sĩ khai thác tối đa, giúp sự chuyển hóa thần thái và đường nét trở nên đặc biệt hấp dẫn.

Mèo phong cách Bắc Bộ

Không chỉ là những bức tranh vẽ thú cưng thông thường, tranh mèo của các họa sĩ Việt để dành cho những tâm hồn mộc mạc, hồn nhiên trẻ thơ cùng những hoài niệm của người từng trải về cuộc sống ngày xưa. Mèo không hoàn toàn là một linh vật, nhưng rất đỗi thân quen với mỗi gia đình - như một “nhân chứng” lặng thầm trong những thăng trầm cuộc sống.

Giữa tháng 12/2022, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát có triển lãm “Meo” trưng bày độc bản về những chú mèo nhân Tết Quý Mão 2023 tại Huyen Art House (Q.1 - TPHCM).

Nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi cho biết, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát luôn gọi mình là nghệ nhân, bên cạnh danh xưng nghệ sĩ. Nghệ nhân khác nghệ sĩ ở chỗ nào? Có nhiều định vị, nhưng tựu trung thì nghệ nhân thường thích làm quen tay, mười cái như một, hiệu quả cao, còn nghệ sĩ thì thường không như vậy.

Thế nhưng, với Nguyễn Tấn Phát, sự sòng phẳng và thú vị ở chỗ những tác phẩm trong triển lãm “Meo” được làm độc bản và nguyên bản. Vậy chúng khác gì với các tác phẩm nghệ thuật, dù được làm ra bởi một nghệ nhân?

Ý niệm nghệ nhân đã giúp Nguyễn Tấn Phát thuần thục hơn, thẩm mỹ hơn về thi công và vật liệu - đa số là gỗ mít Sơn Tây và sơn mài.

Điêu khắc mèo của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát.

Điêu khắc mèo của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát.

Nhờ am hiểu và thuần thục, với học vấn và quá trình sáng tạo cùng những thành tựu đã có, Nguyễn Tấn Phát đúng chuẩn danh xưng nghệ sĩ. Cho nên, khi khước từ danh xưng nghệ sĩ để định vị nghệ nhân, làm ra những tác phẩm độc bản và nguyên bản là điều rất thú vị.

Trong biểu tượng của thế giới, mèo luôn mang tính hai mặt, khó lường, nên tùy tâm cảnh và tầm đón đợi mà nghệ sĩ có hình tướng mèo riêng - hoan hỷ, tích cực hoặc lạnh lùng, bí hiểm.

Không chỉ là một biểu tượng khỏe mạnh, thông minh và độc lập trong 12 con giáp, mà trong văn hóa dân gian Bắc Bộ, mèo còn là biểu tượng của uy quyền, sung túc, cần được chiều chuộng.

Trong đời sống dân gian hiện đại, mèo là biểu tượng của nữ lưu, tự do, của thời trang và tình ái. Nguyễn Tấn Phát chắt lọc, liên nối với văn hóa dân gian, với biểu tượng kiến trúc, phù điêu Bắc Bộ để làm nên bộ mèo độc bản và nguyên bản “Meo”.

Cuộc biến hình của mèo

Từng là kỹ sư trước khi trở thành họa sĩ nên nét cọ của Tào Linh mang đặc tính uyển chuyển mà chắc chắn, mạch lạc logic nhưng không hề đơn điệu. Tư duy của người từng gắn bó với mảng kỹ thuật cân bằng với sự sáng tạo của nghệ sĩ đã giúp Tào Linh tạo ra những tác phẩm hội họa khúc chiết, gợi cảm và giàu chiêm nghiệm.

Tào Linh là một nghệ sĩ chuyên tâm và chăm chỉ. Ông liên tục ghi dấu ấn riêng trong làng mỹ thuật Việt Nam với những tác phẩm sơn dầu và giấy dó mang tính biểu hiện trong một bảng màu phong phú nhưng tinh giản.

Tranh Tết vốn là một thú chơi tao nhã của người Việt từ xưa tới nay. Trong số đó, tranh con giáp luôn là lựa chọn đầu tiên. Tranh Tết nói chung và tranh con giáp nói riêng của các họa sĩ sau này có thể được coi là sự tiếp nối truyền thống của dòng tranh Tết dân gian. Hầu như họa sĩ nào cũng đã từng vẽ tranh con giáp, mà đặc biệt và có tiếng nhất phải kể đến họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Mèo trong tranh họa sĩ Tào Linh lại biến hóa cả hình khối và đường nét.

Mèo trong tranh họa sĩ Tào Linh lại biến hóa cả hình khối và đường nét.

Năm Quý Mão 2023 với hình ảnh con mèo được Tào Linh biến hóa uốn lượn như tính chất dẻo dai và mềm mỏng của con giáp đứng hàng thứ 4 này.

“Tôi cũng thích vẽ mèo, thích nhất trong số 12 con giáp. Nói thích nhất vì tôi thích tính cách của con mèo, mềm mại mà mạnh mẽ, tình cảm nhưng độc lập. Hầu như năm nào, cứ đến dịp Tết là tôi vẽ tranh con giáp. Nhưng riêng năm nay, tôi có một triển lãm cá nhân, trưng bày loạt tranh mèo bên cạnh một số tác phẩm mới”, họa sĩ Tào Linh cho biết.

Tranh Tết Quý Mão của Tào Linh là cuộc biến hình của những chú mèo. Người họa sĩ có biệt tài trong việc uốn nắn và biến hóa hình khối, ngay cả hình khối thực của mèo, theo cách rất riêng và lạ. Đôi khi, người xem tranh thấy mèo như một chiếc ghế dài 4 chân, một chiếc cầu, thi thoảng lấy cảm hứng từ những lưỡi dao, biểu tượng mặt trời, ốc sên…

Tào Linh có thể lấy ý tưởng phác họa mèo từ những hình dạng đó, hoặc đó là thứ mà người xem liên tưởng. Nhưng bất cứ hình thù nào, mèo của Tào Linh luôn mang một vẻ đẹp thú vị, ngộ nghĩnh nhưng cũng không kém phần sang trọng và độc đáo.

Màu sắc trong tranh Tào Linh luôn phảng phất màu sắc của giấy dó, đó là sự hoài niệm, cổ điển nhưng không hề cũ. Ông không đưa sắc màu lên độ quá tươi rói, mạnh mẽ hay là quá nhạt nhòa. Dù thông thường, người ta liên tưởng tranh Tết là đỏ - thắm - tươi nhằm tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng.

Hiếm thấy một màu đỏ xuất hiện trong tranh của Tào Linh, điều đó cho thấy nghệ sĩ không đóng khuôn tranh Tết vào một định nghĩa truyền thống. Cũng có thể, họa sĩ ngầm truyền thông điệp về sự phá cách, dù âm thầm nhưng đầy mạnh mẽ, linh hoạt giống như loài mèo.

Hoài niệm miền ký ức

Tranh màu nước vẽ mèo của Lê Vi đem đến nét đáng yêu, hồn nhiên.

Tranh màu nước vẽ mèo của Lê Vi đem đến nét đáng yêu, hồn nhiên.

Nữ nghệ sĩ Lê Vi lại đem đến với công chúng loạt tranh mèo vẽ bằng màu nước. Sau gần 2 tháng làm việc lặng thầm, miệt mài và trau chuốt, 24 bức tranh màu nước vẽ con vật mà cô yêu nhất đã hoàn thiện.

Cũng chỉ là tự họa sĩ đặt mục tiêu cho bản thân, nhưng chắc chắn rằng, mèo đã trở thành một đề tài – hoặc nguồn cảm hứng mãnh liệt mà cô muốn thể hiện sự sáng tạo.

“Năm nay, tôi vẫn sẽ chọn ra 10 bạn may mắn làm lì xì nhé. Mỗi bạn mèo được vẽ theo các phong cách: Bức buông, bức cầu kỳ tỉ mỉ, bức vẽ đến vài lần mới đạt được tinh thần mong muốn”, nữ họa sĩ Lê Vi cho hay.

Dù chỉ với 2 tháng đã hoàn thành 24 bức tranh, tưởng rất đơn giản nhưng kỳ thực lại không hề giản đơn. Lê Vi đã chọn lối vẽ “ướt trên ướt” để xử lý giấy liên tục khiến mặt phẳng ẩm và xốp từ đầu đến cuối tranh.

Đồng thời, cách vẽ trong sự nhẫn nại và tiết chế, cũng như khiến bức tranh nổi 3D đã làm những chú mèo thêm sinh động như thật. Từng ánh mắt, hình dáng uyển chuyển, móng vuốt cho tới sợi lông dịu êm cho thấy được sự chuyển sắc khi các hạt màu loang chuyển tự nhiên, bao bọc vào nhau.

Họa sĩ Lê Vi vẽ những chú mèo trong miền ký ức xưa, có con mèo rình bắt cá, có con mèo liếm mép, có con mèo uốn mình làm biếng, lại có mèo con nhìn chú chuột lạ lẫm.

Với nét vẽ như đến từ một người sẽ mãi mãi hồn nhiên, họa sĩ khoác lên cho những chú mèo trong tranh một dáng vẻ láu cá, tinh nhanh mà quấn quýt và tình cảm.

Những mảng màu dịu, mộc, đưa đẩy cảm xúc người xem về với ấm áp, hoài niệm. Mèo mẹ, mèo con, mèo tam thể, mèo mướp, mèo vàng, ngắm tranh và bạn sẽ thấy tất cả chúng đang âu yếm, tình tự bên nhau giữa giấy, màu và từng đường cọ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ