Mênh mang nỗi buồn Pa Ít

Mênh mang nỗi buồn Pa Ít

Mỗi một con người chết đi vì HIV/AIDS thì họ lại cho rằng: “Ma không cho ở. Ma bắt người đi!”…

Gian nan… nơi rẻo cao

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi cùng đồng nghiệp "ngược non" lên bản Pa Ít - một địa danh từng gắn với ma túy, HIV/AIDS và chết chóc. Chưa đến Pa Ít lần nào, nhưng qua các câu chuyện kể của đồng nghiệp, trong đầu chúng tôi luôn hiện ra hình ảnh của những ngôi nhà gỗ xập xệ, rách nát. Bản làng thì tan hoang…

Sau mỗi đợt lên bản tuyên truyền, có lẽ đội ngũ cán bộ của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mường Chà là những người "đường thông, lối thạo nhất". Dặn mọi người phải buộc đồ chắc chắn, người ngồi sau phải vịn chặt người cầm lái và người cầm lái phải nhớ chờ người sau để khỏi lạc đường, Phạm Xuân Linh - chàng thanh niên được TTYT huyện tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn đoàn, còn nhắc thêm: "Trông vậy chứ đường trên núi vừa nguy hiểm, lại dễ bị lạc lắm đấy anh chị ạ! Khi lạc rồi không biết hỏi ai đâu!".

Dứt lời, Linh mỉm miệng cười khiến ai nấy đều nghĩ Linh đang đùa. Ai ngờ mới hết hai con dốc ở đầu thị trấn thì lối mòn đã chia ba. Đường về bản không biển chỉ dẫn. Cả một chặng đường dài, giữa một bên là vách núi cao dựng đứng, bên kia là vực thẳm, có những pha "bứt tốc" để vượt qua những đọn dốc cao khiến các thành viên trong đoàn không khỏi thót tim. Như biết rằng có người sẽ nản, Linh chủ động trấn an: "Các anh, chị cứ yên tâm, đường này tháng nào em chẳng đi, ít là một chuyến mà nhiều thì mỗi tuần một lần. Việc của các bác là ngồi chắc, còn việc đường cứ để em lo!".

Mênh mang nỗi buồn Pa Ít ảnh 1
Một gia đình thuộc diện “khá giả” trong bản.

Pa Ít là bản nghèo nhất của xã cũng thuộc diện nghèo nhất huyện. Nhiều năm liền Pa Ít giữ vị trí dẫn đầu về số người nhiễm HIV/AIDS với lũy tích 36 người nhiễm trong khi cả xã Huổi Mí có 46 người. Cao điểm nhất là năm 2012 cơ quan chức năng phát hiện 10 cặp vợ chồng nhiễm HIV/AIDS. Nguyên nhân đều bắt đầu từ các ông chồng nghiện ma túy dùng chung kim tiêm rồi truyền bệnh sang vợ. Nhiều gia đình mẹ mang thai truyền bệnh sang con nhưng người ta chẳng mảy may lo lắng! Và ngay cả khi Pa Ít có người tử vong vì HIV/AIDS thì rất nhiều người trong bản vẫn không hiểu HIV/AIDS là gì! Có người còn nói "ma không cho ở, ma bắt người đi". Họ cứ nghĩ thế và làm thế nên nhiều khi cảm thấy bao công sức tuyên truyền của cán bộ y tế như "đổ xuống sông, xuống biển".

Thờ ơ do thiếu hiểu biết

Mênh mang nỗi buồn Pa Ít ảnh 2
Bản làng vẫn hoang sơ tuy đã có nhiều đổi khác.

Cũng phần vì không hiểu sự nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ mang tên gọi HIV nên người dân bản Pa Ít thờ ơ, xem nhẹ. Như trường hợp y tá bản L.T.M khiến cán bộ y tế không khỏi đau đầu. Chồng M - một người nghiện ma túy, nhiễm HIV và chết đã nhiều năm nhưng lần nào cán bộ y tế xã, TTYT huyện vào vận động xét nghiệm M cũng từ chối. Chỉ đến khi bệnh lao phát nặng làm M nằm liệt, thân chỉ còn da bọc xương thì mới chịu về TTYT huyện để bác sĩ điều trị và uống thuốc ARV. Cũng chỉ ít ngày sau khi sức khỏe hồi phục M trở về Pa Ít sống như thói quen cũ, lại quan hệ tình dục với nhiều người và bỏ luôn cả thuốc.

Ở Pa Ít, số người biết mình nhiễm HIV và bỏ điều trị như M nhiều lắm. Cũng bởi chủ quan nên trong số 28 người nhiễm HIV còn sống thì hiện tại chỉ còn 5 người tuân thủ phác đồ điều trị. "Ở Pa Ít, số người biết mình nhiễm HIV và bỏ điều trị nhiều. Chúng em đã tuyên truyền, vận động rất nhiều nhưng họ cũng chẳng nghe. Ở đây là bản nghèo, đời sống nhân dân khó khăn, việc tiếp cận với các kênh truyền thông của bà con cũng khó khăn nữa. Thế nên, chúng em chẳng có cách nào ngoài tuyên truyền miệng qua các buổi họp dân, qua các chiến dịch tuyên truyền… Nhưng hầu như vẫn chưa thay đổi được nhiều trong nhận thức của bà con", Linh nói với chúng tôi giọng buồn buồn.

Đúng như những gì tôi mường tượng, Pa Ít nghèo lắm. Bản làng xơ xác, tiêu điều. Ngoài mép cửa của mấy ngôi nhà đầu bản, vài người phụ nữ ở trần, miệng ngậm tẩu. Thi thoảng lại phả ra một làn khói mỏng. Người nào người ấy gầy gò, đen đúa và yếu ớt. Ánh mắt họ trĩu nặng, thờ ơ. Ngoài bãi đất hoang, mười mấy đứa trẻ đang mải mê chơi đùa. Mặt mũi đứa nào cũng lấm lem bùn đất. Nhiều đứa vẫn mình trần trùng trục.

Cán bộ mặt trận bản Pa Ít - Thào Văn Việt cho biết: "Bản có 55 hộ với 301 nhân khẩu đều là dân tộc Khơ Mú. 100% hộ làm nương và 100% hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Cả bản có hơn chục nhà dựng sàn, mái lợp tôn vì trước đó họ được nhà máy thủy điện đền bù đất nương; còn lại hầu hết là nhà lợp gianh, tạm bợ, xiêu vẹo". Trên đường đến nhà bà Quàng Thị Thơi, ông Việt chỉ tay về mấy ngôi nhà và nói: "Đây nhà bà Chơ, kia nhà bà Von. Chồng họ đi làm thuê ở xa rồi chết, nhà chỉ còn mẹ góa với mấy người con. Bé thì đi học, lớn hơn đi làm thuê dưới Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh... Nhà nào cũng cảnh hộ khẩu nhiều tên mà lại neo người."

Nhà bà Thơi có lẽ cũng chỉ rộng chừng hơn 10 mét vuông. Thấy mấy người phải chen chúc nhau trong không gian hẹp, cô giáo cắm bản Quàng Thị Vui liền bước ra nhường chỗ để tôi vào. Chỉ tay xuống nền đất ra hiệu mời khách ngồi song bà Thơi chẳng buồn nhìn xem khách ngồi hay đứng. Đáp lời Thào Văn Việt, bà Thơi nói nhát gừng, tay đưa củi vào cái bếp kiềng nguội lạnh. "Chồng bà Thơi chết cuối năm ngoái, nhà có ba con nhỏ đều đi học trường trung tâm xã. Bà Thơi mới đi cuốc nương về, chưa được ăn gì!", ông Thào Văn Việt phiên dịch.

Phía bên kia taluy âm là căn nhà của ông Quàng Văn Đôn. Tuy có rộng rãi hơn nhà bà Thơi chút xíu, song trong căn nhà này cũng chẳng có vật dụng gì đáng giá. Góc nhà có mấy cái nồi méo mó vứt chỏng gọng, mấy cái bát sứt mẻ và một lọ nhựa đựng muối cũng trống không. Nhà ông Đôn có tới 7 người con cả trai và gái nhưng bây giờ chỉ còn 4. Mấy người kia đã "theo ma túy đi rồi".

Hỏi chuyện ông hiện ở với ai, làm gì thì chúng tôi chỉ được thấy cái lắc đầu. Gần gũi với ông nhất là con gái út Quàng Thị Ngân có chồng là Chớ A Páo nhưng cô Ngân chẳng thể làm gì đỡ đần cha mẹ già. Nhà có tám miệng ăn mà chồng lại nghiện ma túy nên vợ chồng Ngân thuộc diện đói nghèo bậc nhất trong bản này.

Nghe chúng tôi hỏi chuyện con cái, ông Đôn buồn bã nói: "Hư lắm. Bảo không nghe, chết hết rồi!". Như cũng bị ám ảnh bởi "con ma" vô hình ấy, ông Đôn kể chuyện bản Pa Ít ngày xưa. Cái ngày bản mới lập còn ở sát mép suối đến bây giờ đã hơn 30 năm với ba lần chuyển lên mà sao vẫn không yên? "Có con ma làm người trong bản chết nhiều quá. Thanh niên trai tráng ở bản cứ đi rồi về ốm chết!", ông Đôn buồn rầu nói. Chuyện này không chỉ ông Đôn, mà ở cái bản nghèo này hầu như chẳng hiểu gì về ma túy cũng như căn bệnh HIV/AIDS đã tràn về, chứ làm gì có "con ma rừng" nào đến tác oai tác quái!

Qua thời "ăn hang, ở lỗ"

Mênh mang nỗi buồn Pa Ít ảnh 3
Những đứa trẻ nheo nhóc tự chăm nhau.

Có lẽ, ông Lương Hậu Tân, Giám đốc TTYT huyện Mường Chà là một trong những người thấu hiểu và cảm nhận được sự "lột xác" của Pa Ít.

"Pa Ít hôm nay đã tiến bộ hơn mấy năm trước rất nhiều rồi đấy anh chị ạ. Mới vài năm trước thôi, cả cái bản này chỉ có vài gia đình làm nhà bằng cách chôn cột lợp gianh. Số còn lại, mỗi gia đình ở trong một cái hố sâu chừng 1,5m. Trên miệng hố người ta gác vài cành cây rồi lợp gianh để che nắng che mưa. Nhà nhiều người họ đào hố rộng, ít người hố bé hơn. Nhưng cũng có nhà hơn chục người ở trong một hố gần chục mét. Ăn và ngủ, sinh hoạt đều trong hố", ông Tân kể lại.

"Lần đầu tiên vào trong bản ấy, mình phải nhờ các thầy cô giáo đưa đến từng hố để tìm người vì bà con trốn biệt trong ấy. Chỉ giáo viên ở bản mới biết gia đình nào ở trong hố nào!", ông Tân kể tiếp.

Suốt bao năm tháng, vấn đề làm sao để có thể thay đổi nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo luôn là bài toán khó với cấp ủy, chính quyền nơi đây. Bởi thế mà chính quyền địa phương và các đoàn thể huyện luôn trăn trở tìm hướng giải quyết. Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Mường Chà, mỗi phòng, ban, đoàn thể trong huyện đều gắn Pa Ít với các chương trình hành động của mình. Pa Ít được xếp vào hàng ưu tiên số một của huyện. Riêng với ngành Y tế thì gần như dự án nào liên quan đến HIV cũng đưa vào Pa Ít. Hầu như tháng nào thì ngành Y tế huyện cũng cử cán bộ đến Pa Ít nắm tình hình, kết hợp hướng dẫn bà con cách ăn ở bảo đảm vệ sinh như cái cách họ đã vận động dân bản Pa Ít bỏ hoàn toàn thói quen "ăn hang, ở lỗ".

Thế nên mỗi khi "trái nắng trở trời", bà con ở bản Pa Ít lại tìm đến cơ sở y tế để khám, chữa chứ không "cúng tà, đuổi ma" như ngày trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ