Không chần chừ, Sở GD&ĐT TPHCM đã có tờ trình đề xuất UBND TP về việc mở cửa trường học cho các khối lớp còn lại (từ mầm non đến lớp 6) ngay sau Tết Nguyên đán, trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.
Tại Hà Nội, nơi vẫn duy trì khoảng 3.000 ca nhiễm/ngày, ngành Giáo dục Thủ đô cũng dự kiến đề xuất cho 100% học sinh khối 7 - 12 trở lại trường sau Tết, nếu tình hình dịch ổn định.
Chuyển động mở cửa trường học đã và đang rõ nét dần những ngày qua và dự kiến ra Tết, thêm nhiều tỉnh thành sẽ đồng loạt thực hiện. Trước đó, nhiều tỉnh thành từng là điểm nóng về dịch bệnh cũng lần lượt cho học sinh các cấp đến trường như Long An, Trà Vinh…
Việc cho học sinh đi học trực tiếp trở lại đã và đang nhận được sự ủng hộ của xã hội. Tại TPHCM, mức đồng thuận của cha mẹ học sinh ngày càng cao. Ở Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Quận 1), tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đi học sau Tết Nguyên đán tăng từ 30% ở đợt khảo sát đầu tiên lên 40% ở đợt thứ 2 và kết quả khảo sát mới đây nhất đã tăng lên 69,9%. Tỷ lệ học sinh khối 7 - 12 đi học trực tiếp đạt từ 92 - 96% tùy từng khối lớp.
Ngày càng có nhiều địa phương rộng cửa đón học sinh đến trường là kết quả đạt được từ nhiều yếu tố. Dịch bệnh dần được kiểm soát tốt, độ bao phủ vắc-xin cao, đạt đến mức miễn dịch cộng đồng. Nghị quyết 128 của Chính phủ với phương châm thích ứng, linh hoạt phòng chống dịch trở thành đòn bẩy để tất cả nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới, trong đó có học đường. Thực tế dạy học trực tiếp từ những nơi thí điểm cho đến nhân rộng đều đạt được những hiệu quả tích cực. Công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trong nhà trường khá tốt. Không có tình trạng hoang mang, mất ổn định khi nhà trường phát hiện ca nhiễm. Chất lượng dạy, học của giáo viên và học sinh khởi sắc.
Đặc biệt, hơn ai hết, phụ huynh, học sinh đã cảm nhận sâu sắc những mặt trái, thiệt thòi khi trẻ học trực tuyến kéo dài. Chất lượng dạy học từ xa không thể bằng trực tiếp, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, với các cấp học nhỏ. Tình trạng trẻ ở nhà, tiếp xúc nhiều với màn hình đã gây ảnh hưởng về sức khoẻ thể chất và tinh thần. Người lớn đi làm, không có thời gian giám sát con, không ít học sinh học ở nhà đã nghiện game, mạng xã hội, giải trí trực tuyến. Khả năng tương tác xã hội hạn chế, trẻ mất dần các kỹ năng.
Mở cửa trường là mệnh lệnh từ thực tế cuộc sống. Tuy vậy, bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, vẫn còn không ít cha mẹ, học sinh e ngại, đặc biệt là ở cấp lớp nhỏ. Lý do đa số trẻ dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm vắc-xin và dịch bệnh nhiều nơi vẫn còn phức tạp. Đây là những tâm tư có thể chia sẻ được, nhưng không phải vì thế mà chần chừ đóng cửa trường học quá dài. Với địa phương chần chừ mở cửa trường dù ở vùng 2 không rõ do lo cho trẻ hay sợ trách nhiệm.
Quan trọng nhất khi mở cửa trường là công tác tổ chức dạy học phải hết sức linh hoạt song song với bảo đảm an toàn. Khởi động cho trẻ các cấp đi học lại, bản thân mỗi nhà trường đều phải xác định hình thức dạy học cũng sẽ thay đổi tùy theo thực tế dịch bệnh ở từng thời điểm khác nhau. Mô hình lớp học vừa trực tiếp vừa trực tuyến phù hợp với nguyện vọng và tình hình sức khoẻ của học sinh cũng sẽ là hướng đi tiếp tục được khuyến cáo áp dụng.
Chắc chắn khi dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh, thầy cô và cả học sinh sẽ vất vả, khó khăn hơn để đạt mục tiêu kép. Nhưng với kinh nghiệm hai năm sống cùng Covid, với sự đồng thuận và quyết tâm của toàn ngành, tin rằng mỗi ngày đến trường của thầy và trò không chỉ là một ngày an toàn, mà còn là một ngày vui.