Mẹ xin nghỉ việc ở nhà trông con

GD&TĐ - Gửi con cho bảo mẫu trông coi để đi làm, nhưng khi kiểm tra camera gia đình, anh Tài, chị Dung hốt hoảng khi thấy con bị bảo mẫu đánh mạnh vào người, rồi giật lắc qua lại. Cháu bé bị nôn ói, phồng thóp, đưa đến bệnh viện kiểm tra.

Mẹ cháu bé sau đó phải nghỉ việc ở nhà trông con
Mẹ cháu bé sau đó phải nghỉ việc ở nhà trông con

Sự việc được gia đình báo lên cơ quan chức năng, còn mẹ cháu bé phải xin nghỉ việc để ở nhà trông con cho an toàn.

Bảo mẫu đánh trẻ, thường xuyên tắt camera?

Ngày 26/10, Đại úy Trịnh Việt Anh – Phó Trưởng CA phường Bến Thủy cho biết, đơn vị đã chuyển hồ sơ lên Công an TP Vinh để tiếp tục điều tra làm rõ vụ “bảo mẫu” có hành vi đánh cháu bé 5 tháng tuổi.

Theo đơn trình báo của gia đình anh Đinh Văn Tài (SN 1984), trú tại Phường Bến Thủy, TP Vinh, vào ngày 24/10, trong khi đang đi làm anh Tài mở camera trong nhà để xem, thì thấy bà Đặng Thị L. (SN 1961, trú xã Hưng Phúc, Hưng Nguyên, Nghệ An) đi tới tắt camera. Bà L. là bảo mẫu của cháu Đinh A.N, 5 tháng tuổi, con trai của vợ chồng anh Tài.

Hình ảnh bà L. bế cháu bé rồi giật lắc qua lại được ghi trong camera gia đình
Hình ảnh bà L. bế cháu bé rồi giật lắc qua lại được ghi trong camera gia đình

Thấy có điều bất thường nên anh Tài gọi điện thoại về nhờ người thân qua kiểm tra camera thì được biết phích cắm điện bị rút. “Bình thường ban ngày chỉ có bà L. và con tôi ở nhà. Camera đặt ở phòng ăn, mỗi ngày cứ bị ngắt từ 30 – 60 phút. Tôi vẫn nghĩ là do điện chập chờn hoặc tín hiệu không tốt. Mãi đến hôm thấy bà L ngắt điện camera thì tôi mới thấy nghi ngờ”.

Thấy có điểm bất thường, anh gọi điện về nhà nhờ người thân qua kiểm tra thì thấy phích điện đã bị rút. “Bình thường, camera phòng ăn (nơi bà L. bế và chơi với cháu bé) mỗi ngày bị ngắt khoảng 30 phút đến 1 tiếng, có ngày 1 ngắt 2 lần. Tôi cứ nghĩ là do mất điện nên không để tâm lắm. Hôm qua, thấy bà L. đi lại ngắt điện camera mới thấy có điều gì đó không bình thường”, anh Tài kể.

Bà Đặng Thị L được vợ chồng anh Tài thuê làm bảo mẫu cho con trai từ ngày 5/10. Trong thời gian bà L. trông nom, bé A.N hay giật mình, quấy khóc ban đêm, nhưng nghĩ thời tiết chuyển mùa, con khóc nũng bố mẹ nên vợ chồng anh Tài đưa cháu đi kiểm tra tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Tại đây, các bác sĩ cho biết các dấu hiệu nội tiết bình thường nhưng sau thóp cháu bị phồng, khả năng bị phồng não. Bác sĩ kê đơn, dặn về nhà theo dõi thêm. “Chỉ đến khi thấy camera bị ngắt, tôi mới xâu chuỗi các sự kiện và nhờ người khôi phục dữ liệu, kiểm tra lại băng hình ghi được từ camera.

“Trong clip ghi lại vào khoảng 10h ngày 11/10, bà L. và con tôi nằm trên võng. Khi con tôi thức dậy, bà L. Dùng tay vỗ vào người, rồi lấy gối đập lên mặt cháu. Sau đó, thấy con tôi vẫn khóc nên bà đánh vào chân, vào người. Rồi bế cháu lên giật lắc liên tục. Sau đó camera bị tắt, tôi không biết sau đó diễn biến thế nào”, anh Tài rùng mình nhớ lại.

Chứng kiến những cảnh ghi lại trong clip, anh Tài về nhà mở lại cho mọi người và bà L xem, nhưng người phụ nữ này không nhận đánh cháu A.N mà nói là tự đánh vào người mình đễ dổ dành cháu bé.

Không nhận được sự hợp tác của bà L, trong tối 24/10, anh Tài cho bà L. nghỉ việc, thanh toán tiền công thời gian làm việc. Đồng thời báo cáo và chuyển tất cả dữ liệu hình ảnh cho Công an phường Bến Thủy.

Còn chị Dung, mẹ cháu bé quyết định nghỉ việc để ở nhà chăm sóc và theo dõi tình hình sức khỏe của con.

“Tôi chỉ muốn dỗ cháu nín khóc”

Tờ giấy “nhận lỗi” của bà L nhưng ghi sai họ và nơi cư trú
Tờ giấy “nhận lỗi” của bà L nhưng ghi sai họ và nơi cư trú

Theo ông Nguyễn Văn Bắc – Trưởng Công xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) cho biết, bà Đặng Thị L. là công dân địa phương. Bà L. không có gia đình, con cái, thường đi ở thuê, không mấy khi có mặt tại địa phương.

Sáng ngày 26/10, gặp bà Đặng Thị L. bà phủ nhận không đánh, hoặc dùng gối đập vào mặt cháu bé mà là lật gối ra. “Tôi thấy cháu khóc, dỗ mãi không được.Tôi lắc cháu là để cho cháu nín, rồi lỡ tay ụi (đẩy mạnh – PV) vào người cháu. Tôi không có con cái gì cả, nên tôi thương trẻ chứ không đánh đập gì cháu bé cả. Tôi ít học nên cứ theo thói quen lắc thế để cháu nín khóc thôi”, bà L nói.

Theo bà L, mọi người đã hiểu sai hành động của mình, bà không có ý bạo hành trẻ nhỏ. Việc cháu bé bị nôn theo bà L. là do bị “đẹn”, bị nấm miệng chứ không phải do bà đánh vào đầu hay giật, lắc gây ra.

Bà L. cho rằng mọi người đã hiểu sai bà và bà chỉ muốn dỗ cháu bé nín khóc
Bà L. cho rằng mọi người đã hiểu sai bà và bà chỉ muốn dỗ cháu bé nín khóc

Bà L. được vợ chồng anh Tài thuê làm bảo mẫu chăm sóc con trai và trả lương 4 triệu đồng/tháng. Ngoài việc cho cháu A.N ăn và trông nom từ 6h sáng đến lúc mẹ cháu bé về (khoảng 14h) thì bà L. nấu nướng, giặt giũ. Thời gian qua, giữa gia đình và bà không có mâu thuẫn gì.

Bà L. cũng phủ nhận việc tắt camera thường xuyên để che giấu hành vi bạo hành cháu bé. “Tôi không biết đó là camera, tôi nghĩ đó chỉ là ổ cắm, có hôm mất điện tôi thấy cái đó nhấp nháy đỏ nên thử rút phích cắm để kiểm tra xem có phải cả nhà bị mất điện không”.

“Sự việc đã xảy ra rồi, tôi xin gửi lời xin lỗi gia đình, có những điều không phải thì gia đình cũng phải nói cho đúng, tôi cũng già cả rồi, nhờ chính quyền giúp đỡ cho tôi”, bà Đặng Thị L. nói. Bà cũng cho biết sau sự việc này sẽ không đi trông trẻ nữa mà ở nhà làm ruộng.

Được biết, tối ngày 24/10, sau khi được vợ chồng anh Tài thanh toán tiền nong để về quê, bà Đặng Thị L. có viết một tờ giấy, trong đó có ghi “…vì tôi không có trách nhiệm nên cháu hiện nay đã bị sương (sưng) não. Điều này có camera ghi lại. Nay tôi xin chịu mọi trách nhiệm với gia đình và pháp luật”. Tuy nhiên, trong tờ giấy này, bà L. ghi họ mình là họ Nguyễn và địa chỉ cư trú cũng không phải ở xã Hưng Phúc mà là Hưng Phú. Lý giải điều này, bà L. cho rằng bị gia đình anh Tài ép, đọc cho để viết. Về những sai lệch thông tin về họ, địa chỉ cư trú là do hoảng sợ nên không để ý viết nhầm.

Hiện vụ việc đang được Đội Hình sự, Công an TP Vinh, Nghệ An tiếp tục xác minh làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ