Đắp lá chữa bỏng
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông mới đây tiếp nhận và sơ cứu cho bé Nguyễn Văn Đức, 4 tuổi, ở Mỹ Đức, trong tình trạng sức khỏe xấu vì đắp lá chữa bỏng .
Được biết, bố mẹ bé Đức đi làm ăn xa nên gửi con cho ông bà trông nom. Khi Đức bị bỏng nước sôi, ông bà cháu không đưa cháu đi bệnh viện mà nghe theo thầy lang chữa bỏng bằng cách đắp lá lên vết bỏng. Chỉ đến khi cháu xuất hiện một số triệu chứng bất thường ở vết bỏng và đi ngoài phân đen thì gia đình mới hốt hoảng đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu.
Hậu quả nặng nề từ việc đắp lá trị bỏng nước sôi.
BSCKI. Đỗ Hữu Nghị, trực cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, cháu Đức chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bỏng phần nửa dưới lưng, mông phải, đùi, cẳng chân phải. Đặc biệt, ở vùng da đắp lá đã có dấu hiệu biến chứng viêm, loét, hoại tử.
Thực tế, ở các vùng nông thôn, khi trẻ bị bỏng, phụ huynh thường đưa trẻ đến các thầy lang để chữa trị bằng thuốc Nam hoặc tự ý chữa mẹo bằng các bài thuốc truyền miệng trong dân gian. Trong khi đó, việc điều trị không đúng cách sẽ hết sức nguy hại vì sẽ khiến vết thương bỏng trở nên nặng hơn, gây tai biến, để lại di chứng nặng nề.
Cắt lông mi làm đẹp
Vụ việc xảy ra tại Trung Quốc. Bà Trương - một phụ nữ trung niên hớt hải bế cháu gái đến Bệnh viện Nhi khám bệnh. Cháu gái bà Trương mới sinh được nửa tháng nhưng thời gian gần đây mắt liên tục chảy nước, đặc biệt sợ ánh sáng. Cứ mỗi lần bà Trương bật đèn là bé khóc không ngừng, liên tục đưa tay lên che mắt.
"Hồi mới sinh con bé không hề bị như thế, suốt ngày mở mắt, tươi cười như không vấn đề gì. Không hiểu sao khoảng 5 ngày trở lại đây bỗng nhiên mắt liên tục chảy nước, khóc quấy gia đình. Tôi sợ mắt cháu bị rối loạn gì", bà Trương nói với bác sĩ.
Sau khi nghe kể lại, bác sĩ xem xét mắt của em bé và nhận định "Có vẻ như lông mi của bé vừa mới được sửa chữa cách đây không lâu?". Theo quan sát của bác sĩ, rõ ràng lông mi của em bé nhiều sợi bị kẹt vào bên trong mắt, đầu lông mi ngắn, dày, mỗi khi đứa trẻ chớp mắt, lông mi lại chạm vào trong, kích thích phần da mỏng nhạy cảm ở mắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đứa trẻ.
Lúc này, bà Trương mới thú nhận với bác sĩ, muốn cháu gái sau này có được hàng lông mi dày đẹp, bà đã theo kinh nghiệm xưa, nghe lời mách bảo của nhiều người để lén cắt lông mi cho cháu cách đây mấy hôm.
Dùng nước cốt chanh và lòng trắng trứng chữa vặn mình
Trên mạng xã hội mới đây lan truyền một bài viết của mẹ N.N chia sẻ cách trị vặn mình cho trẻ. Bà mẹ này “hiến kế” dùng lòng trắng trứng gà, cùng với nước cốt chanh thoa lên khắp người con để đánh lông đẹn cho trẻ. Sau khi lông đẹn nổi lên thì dùng bột mỳ xoa lên tiếp để lấy đi lông đẹn.
Theo đoạn chia sẻ này, sở dĩ trẻ bị vặn mình hay còn gọi là rướn là do trẻ có lông đẹn ở dưới da gây ngứa, khiến trẻ khó chịu, mất ngủ…“Nuôi con ngán ngẩm nhất là thời gian con vặn mình, ai trải qua mới biết. Nhà mình hết ném dây thừng buộc trâu vào gầm giường, rồi mua ốc gai biển tắm cho con nhưng không hết".
Hình ảnh dùng nước cốt chanh và lòng trắng trứng gà để trị lông đẹn cho trẻ sơ sinh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Kèm theo những chia sẻ là hình ảnh một cháu bé sơ sinh lưng trần nổi đầy lông đen khiến không ít bà mẹ bỉm sữa tin rằng đây là bí quyết hay và sẵn sàng chia sẻ cho mọi người.
Tuy nhiên, Ths.BS Lê Minh Trác, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khẳng định: "Đây là một phương pháp phản khoa học, nhiều năm làm nghề, tôi chưa bao giờ nghe đến phương pháp này”.
Theo bác sĩ Trác, nếu các bà mẹ áp dụng theo phương pháp này thì rất nguy hiểm, bởi khi dùng hỗn hợp như chia sẻ trên mạng xã hội gồm nước cốt chanh, lòng trắng trứng gà và bột mỳ sẽ khiến trẻ bị nhiễm khuẩn, viêm và sưng tấy.