Cô gặp gỡ và yêu một chàng trai gốc Việt, Thảo bày tỏ với mẹ rằng cô muốn kết hôn và định cư ở đó.
Mặc cảm khiến con gái không có được tình thương của bố chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng, bà Tuyết quyết tâm chiều chuộng con hết mực.
Bà chẳng những đồng ý cho con kết hôn với chàng trai Việt kiều ấy mà còn bán hết nhà cửa, đất đai, dồn tiền sắm một căn hộ tại nước ngoài để con gái không bị "lép vế" với nhà chồng.
Ngày con gái kết hôn, bà Tuyết hoan hỉ khăn gói bay sang. Nam - con rể bà vô cùng vui vẻ khi nghe mẹ vợ đề xuất phương án ở rể.
Bà nói thẳng: "Căn nhà này đứng tên mẹ, nhưng mẹ không mấy khi sang đây chơi, khi nào hai đứa sinh cháu, mẹ sẽ sang tên căn nhà này cho các con".
Bà Tuyết đặt trọn niềm tin nơi Thảo và Nam, nhưng bạn bè của bà thì không như vậy, họ khuyên: "Bà già mà dại, về nước làm gì, ở lại với vợ chồng nó luôn đi. Sau này ốm đau còn có người chăm sóc. Đừng bao giờ sang tên căn nhà cho chúng nó khi mình còn khỏe mạnh".
Không những thế, họ còn tìm những ví dụ rất sống động về việc con cái "hất cẳng" bố mẹ ra khỏi nhà khi chúng đã đạt được mục đích.
Bị bạn bè tác động quá nhiều, bà Tuyết thủ thỉ với con gái: "Đằng nào mẹ cũng về hưu rồi, bây giờ mẹ về nước lại phải thuê nhà để ở, hay mẹ ở lại với con nhỉ? Khi nào con sinh cháu, mẹ sẽ hỗ trợ con, thuê người giúp việc ở đây tốn kém lắm". Nghe bà Tuyết nói thế, Thảo cười sung sướng: "Wow! Mẹ ở đây với chúng con là nhất".
Được mẹ vợ chăm sóc từng bữa cơm, giặt hộ từng chiếc áo, Nam không ngừng bày tỏ lòng biết ơn, nhưng anh cũng trình bày quan điểm khá thẳng thắn: "Mẹ ơi, mẹ chỉ nên làm những việc nhẹ nhàng thôi nhé, việc khó và nặng đã có chúng con".
Bà Tuyết thực sự không hiểu tại sao Nam nhất định phân chia rạch ròi việc nhẹ nhàng và việc nặng nhọc làm gì, trong khi bà quan niệm tất cả việc trong nhà đều là việc giản đơn, bà có thể quán xuyến được hết.
Một hôm, thấy bức tường trong bếp bị ố vàng, bà quyết định mua sơn về quét lại. Bà mặc đồ bảo hộ, đi găng tay, đứng lên ghế, lăn sơn cực kỳ thành thạo. Thảo và Nam vừa đi làm về đã bị bà kéo vào bếp, khoe: "Hai đứa thấy mẹ giỏi không?".
Trái với mong đợi của bà, Thảo kêu ầm lên: "Trời ơi, sao mẹ không hỏi ý kiến chúng con trước khi làm việc này?". Nam cũng tỏ ý không hài lòng: "Thật ra bọn con định sơn màu khác...". Bà Tuyết tự ái ra mặt: "Chờ hai đứa thì biết đến bao giờ, ngày nào mẹ cũng ra ra vào vào căn bếp này, nhìn tường tróc sơn, mẹ không chịu được".
Dù sau đó Thảo đã phải xin lỗi và giải thích rằng mình và chồng phản ứng như vậy vì lo lắng cho sức khỏe của bà, không muốn bà leo trèo, chẳng may bị ngã thì khổ. Nhưng bà Tuyết lại nghĩ theo chiều khác: "Khổ thân mình quá mà, sống trong căn nhà của mình cũng không được tự do làm điều mình thích".
Không hết tự ái sau "vụ" quét sơn, bà Tuyết quyết định không đụng vào việc "nặng" nữa, bà chỉ nấu cơm, giặt giũ, phơi phóng và gập quần áo. Thấy chiếc áo ba lỗ cũ rích của con rể vắt trên ghế, bà nhấc lên, ngắm nghía một lúc rồi vứt thẳng vào sọt rác. Bữa tối hôm ấy không thấy ai nói gì, tưởng êm chuyện, nhưng trước khi đi ngủ, Thảo sang phòng bà, cằn nhằn: "Mẹ ơi, sao mẹ lại tự ý vứt áo của chồng con vào sọt rác? Mẹ có biết đấy là chiếc áo anh ấy rất thích không?".
Bà Tuyết phẫn nộ: "Ơ hay, cái áo mỏng dính, sờn rách gần hết rồi mà còn mặc à?". Thảo hơi thiếu kiềm chế: "Tóm lại là rách hay sờn thì đó cũng là áo anh ấy thích, lần sau mẹ đừng tự ý vứt đồ của người khác nữa nhé".
Đêm ấy bà Tuyết ôm gối khóc rưng rức, chưa bao giờ bà thấy tủi cho mình và giận con gái đến thế. Nó yêu chồng đến mù quáng, chẳng thèm quan tâm đến cảm xúc của mẹ đẻ.
Bà quyết định không chịu nhún nhường trong chính căn nhà của mình. Bất cứ lúc nào Thảo và Nam tỏ thái độ "hỗn" là ngay lập tức bà phản ứng: "Anh chị có giỏi thì tự mua nhà mà ở, đây là nhà của tôi, tôi muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói".
Quá tam ba bận, Nam không thể nín nhịn được nữa, anh nói thẳng: "Con cũng không thấy vui vẻ gì khi phải ở trong ngôi nhà của mẹ, chúng con sẽ tự mua nhà mới trong nay mai".