Trong mắt tất cả các bà mẹ, mọi đứa con đều yếu đuối và cần được bảo vệ. Mẹ nào cũng lo sợ con sẽ bị tổn thương nếu đi ra ngoài nhưng nếu bảo vệ quá mức cũng đem đến thiệt thòi quá lớn dành cho đứa trẻ.
Mới đây, câu chuyện của cô bé (giấu tên) 8 tuổi ở Thanh Đảo (Trung Quốc) được mẹ giữ ở nhà, không cho đi học gây xôn xao dư luận. Người mẹ lo sợ đứa con của mình sẽ bị thế giới bên ngoài làm tổn thương nên quyết định cho bé ở nhà từ nhỏ thay vì đi học cùng các bạn.
Được biết, cha mẹ của cô bé đã ly thân được 4 năm. Cô bé sống với mẹ nên việc nuôi dạy hoàn toàn do người mẹ quyết định. Khi đứa trẻ lớn lên đáng nhẽ phải đi học nhưng đã phải ở nhà.
Càng lớn, bà mẹ lại càng không cho con gái mình ra ngoài, hai mẹ con sống chỉ biết tới nhau, thui thủi trong một cuộc đời cô lập.
Sau 8 năm sống như thế, giờ đây người ta phát hiện ra đứa trẻ có xu hướng tự kỷ, bé không biết ông bà mình là ai, cũng không biết bố của mình.
Tình trạng này của đứa bé khiến dân làng xung quanh vô cùng lo lắng. Họ đã trao đổi với mẹ bé nhưng bà khăng khăng làm theo cách riêng của mình.
Cô bé không biết bố và ông bà.
Khi phóng viên hỏi về lý do không cho bé đi học, người mẹ trả lời rằng cô giáo sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy khó chịu, cô giáo không thích bé. Lời giải thích của bà không ai có thể chấp nhận được.
Người mẹ giữ quan điểm nuôi con của mình.
Nhiều người cho rằng rất có thể bà đang mắc căn bệnh về tâm lý nên quản thúc con mình quá chặt, không cho bé giao tiếp và ngày càng có xu hướng tự kỷ.
Người mẹ 47 tuổi còn đứa trẻ mới chỉ có 8 tuổi. Bé còn cả chặng đường dài phía trước để phát triển và mẹ cũng không thể ở bên cạnh bé mãi được.
Giao tiếp xã hội rất quan trọng đối với trẻ và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bé. Trẻ có kỹ năng xã hội kém rất khó để sống. Những đứa trẻ này thường rụt rè, không thích thể hiện bản thân, sợ nơi đông người và hiếm có bạn bè.
Vậy, làm thế nào để phát triển các kỹ năng xã hội cho con của bạn?
Đầu tiên, cho bé đi học theo đúng lứa tuổi
Trường học là một xã hội thu nhỏ và là điểm dừng chân đầu tiên của trẻ để bé đi đúng hướng. Ở trường bé không chỉ tiếp xúc với bạn bè mà còn có cả sự giáo dục của thầy cô giáo.
Bé không chỉ được trau dồi kiến thức mà còn cảm nhận được tình bạn, cuộc sống, điều này rất có lợi cho việc cải thiện trí tuệ, cảm xúc ở mỗi đứa trẻ. Vì vậy, khi trẻ đến tuổi đi học (2,5-3 tuổi học mẫu giáo, 6 tuổi vào lớp 1...), cha mẹ nên cho bé tới trường. Đừng bỏ lỡ cơ hội học tập của bé.
Nên cho bé đi học khi đến tuổi. Ảnh minh họa.
Thứ hai, thường xuyên giao tiếp với bé
Giao tiếp là một cách tốt để thúc đẩy các kỹ năng xã hội ở mỗi đứa trẻ. Cha mẹ cần giao tiếp nhiều hơn với con cái và thúc đẩy bé thể hiện mong muốn của bản thân.
Giao tiếp với con không chỉ giúp trẻ thúc đẩy cảm xúc cá nhân mà còn khiến đứa trẻ tiếp thu kiến thức xã hội nhiều hơn, nhanh hơn, đúng đắn hơn.
Thứ ba, thường xuyên đưa trẻ đi chơi
Sân chơi, công viên, bãi biển hay bất kỳ khu du lịch nào đó đều là những nơi tuyệt vời để nuôi dưỡng các kỹ năng xã hội cho đứa trẻ.
Ở những nơi này bé được tiếp xúc với nhiều người khác nhau, nhiều ngành nghề khác nhau nên có thể cải thiện sự hiểu biết xã hội và mang lại lợi ích trong tương lai.
Rất nhiều bậc phụ huynh cấm không cho con ra ngoài chơi vì sợ bé bị thương, điều này chưa hẳn đã đúng bởi nhiều khả năng của trẻ chỉ học được khi phải đi ra ngoài.
Trên thực tế, nhiều cha mẹ lo lắng cạm bẫy ngoài xã hội sẽ làm tổn hại đến con của mình nhưng việc bảo vệ quá mức cũng chính là cách gián tiếp cha mẹ làm hại đứa trẻ. Vì thế, hãy cho con được tiếp xúc xã hội nhiều để trẻ học cách giao tiếp và học cách tự bảo vệ chính bản thân mình.