Mẹ chồng tái mặt buông đũa khi nhìn món ăn này của nàng dâu ngày ông Công ông Táo

Ngày cúng ông Công ông Táo đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn còn đang hiện hữu rõ mồn một khiến gia đình Thảo luôn trong tình trạng cơm chẳng còn lành, canh chẳng còn ngọt…

Mẹ chồng tái mặt buông đũa khi nhìn món ăn này của nàng dâu ngày ông Công ông Táo

Thảo mới về làm dâu bà Minh vỏn vẹn được 2 tháng. Công việc bận rộn cuối năm khiến Thảo thường xuyên công tác xa nhà, ít có thời gian quan tâm, săn sóc gia đình. Điều này phần nào khiến bà Minh không mấy hài lòng.

Cách đây ít ngày, dù biết con dâu bận nhưng bà Minh vẫn chủ động gọi Thảo lại nói chuyện và “nhắc khéo” cô phải lo cho gia đình một cái Tết chu toàn vì dẫu sao cô cũng là dâu mới, năm đầu ăn Tết nhà chồng, phải làm sao cho bà được “nở mày nở mặt” với họ hàng.

Thảo vốn dĩ cũng là người sống biết điều nên khi mẹ chồng “gợi ý”, cô đã cố gắng sắp xếp công việc để tranh thủ dọn dẹp, mua sắm dần những đồ thiết yếu cho dịp Tết này.

Mọi năm, gia đình bà Minh thường làm cơm “tiễn” ông Công ông Táo vào đúng ngày 23 tháng Chạp nhưng năm nay, do ngày này trùng vào thứ hai nên Thảo đã bàn với mẹ chồng cúng trước vào chủ nhật để cô có thời gian chợ búa và lo tươm tất cho mâm cỗ cúng.

Mẹ chồng nàng dâu lục đục sau ngày cúng ông Công ông Táo. Ảnh minh họa

Mẹ chồng nàng dâu lục đục sau ngày cúng ông Công ông Táo. Ảnh minh họa.

Thuận theo ý con dâu, bà Minh gật đầu đồng ý. Thế nhưng, ngay từ sáng sớm hôm ấy, bà lấy lý do có buổi sinh hoạt tổng kết cuối năm của câu lạc bộ người cao tuổi nên không ở nhà phụ giúp con dâu được.

Mọi việc Thảo phải tự lo liệu, từ mua sắm đồ cúng lễ, đi chợ nấu cơm và cuối cùng là thực hiện nghi lễ “tiễn” ông Công ông Táo về Trời.

Tuy nhiên, đó chỉ là cái cớ. Thực chất, mục đích của bà Minh là muốn thử sự đảm đang, tháo vát của nàng dâu mới vì từ khi Thảo về làm dâu, bà chưa được chứng kiến con dâu “trổ tài” bao giờ.

Đúng là Thảo đã không làm mẹ chồng thất vọng. Nhìn cách bày biện đâu ra đấy trên bàn thờ nhất là mâm ngũ quả được cắt tỉa tỉ mỉ, cầu kỳ với nhiều loại trái cây tươi khiến bà Minh rất hài lòng. Mâm cơm cúng với nhiều món ăn đa dạng cũng làm bà “ưng cái bụng”.

Trong bữa ăn hôm ấy, ngoài những món được bày lên cúng lễ, Thảo còn bưng ra một bát canh cá chép om dưa vẫn còn nghi ngút khói thơm nồng. “Biết mẹ thích ăn cá om dưa nên con đã nấu. Mẹ ăn đi cho nóng”, vừa nói Thảo vừa gắp một miếng thịt nạc cá vào bát cho mẹ chồng.

Quả thực, lời nói và hành động của con dâu như muốn “đốn tim” bà Minh vì đúng là, bà rất khoái món này. Bà đưa lên miệng để thưởng thức và vị của nó làm bà không thể chê vào đâu được. Bà nhìn con dâu và bắt đầu thấy có thiện cảm với cô.

Đang dở bữa, bà Minh chợt hỏi Thảo về việc đi phóng sinh cá chép ở đâu vì ở gần nhà bà không có sông, hồ. Mọi năm, bà phải đi xe hơn 3km mới phóng sinh được.

“Con thả vào trong nồi rồi đây mẹ”, câu trả lời vô tư của con dâu khiến bà Minh sững lại, mặt tái đi. Miếng cá vừa đưa vào mồm bỗng đắng ngắt.

Bà Minh nhìn xuống bát cá rồi nhìn lên con dâu với ánh mắt dò xét. “Ý con là sao?”, bà hỏi như vẫn còn chưa tin vào câu trả lời trước đó của con dâu.

Lần này Thảo đáp lại ngập ngừng hơn: “Cúng xong con cho cá vào om dưa đây mẹ. Tại ở quê con, mọi người cũng hay mua cá chép về vừa để cúng vừa để ăn luôn nên con tưởng nhà mình cũng thế…”.

“Cô nấu lên thế này thì ông Công công Táo cưỡi gì về Trời để báo cáo được nữa? Sao lại có kiểu cúng xong thả vào nồi thế này hả giời?”, bà Minh gắt gỏng buông đũa đánh keng một phát xuống mâm rồi đứng dậy.

Bữa ăn đang vui vẻ bỗng trở nên căng thẳng. Thảo cũng chưa bao giờ thấy mẹ chồng nổi giận đến thế nên cô rất sợ, không dám nói thêm lời nào.

Từ hôm ấy đến nay, dù Thảo đã xin lỗi mẹ chồng về hành động thiếu hiểu biết của mình nhưng bà Minh vẫn luôn “mặt nặng mày nhẹ” với cô. Với bà, việc làm của Thảo dường như rất nghiêm trọng.

Bà không nói thẳng với Thảo nhưng lại luôn bóng gió: “Cả năm cố gắng, cuối cùng cũng đổ xuống sông xuống biển”; “Sao cái kiến thức sơ đẳng là cúng xong phải phóng sinh cá mà cũng không biết”…

Thái độ của mẹ chồng khiến Thảo cũng thấy bí bách, khó chịu. Thế nên, dù ngày cúng ông Công, ông Táo đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn còn đang hiện hữu khiến gia đình Thảo luôn trong tình trạng cơm chẳng còn lành, canh chẳng còn ngọt…

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ