Mẹ bầu nhập viện cấp cứu, bác sĩ căng não khi nhìn vào tử cung sản phụ

Các bác sĩ Sản – phụ khoa, Gây mê hồi sức, Ngân hàng máu… Bệnh viện Từ Dũ vừa phối hợp thực hiện thành công việc bảo tồn tử cung (không cắt tử cung) và mổ cấp cứu lấy một bé gái 2600g cho một sản phụ bị nhau cài răng lược percreta diện rộng (thể nặng).

Mẹ bầu nhập viện cấp cứu, bác sĩ căng não khi nhìn vào tử cung sản phụ

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Vương Đình Bảo Anh, Phó Trưởng khoa Sản A – Bệnh viện Từ Dũ: Trước đây nhau cài răng lược là một bệnh hiếm gặp, ít được quan tâm và chẩn đoán dễ bị bỏ sót.

Tuy nhiên, gần đây bệnh này đã tăng lên nhiều do chỉ định mổ lấy thai rộng rãi hơn và có những trường hợp mổ theo yêu cầu. Những hậu quả nặng nề do nhau cài răng lược trên vết mổ lấy thai cũ gây ra, mang đến một gánh nặng mà ngành y tế phải giải quyết.

Trước đó, ngày 18/12/2018, BS Bảo Anh và các đồng sự, gồm các bác sĩ Sản – phụ khoa, Gây mê hồi sức, Ngân hàng máu…, đã phối hợp thực hiện thành công việc bảo tồn tử cung (không cắt tử cung) cho sản phụ Đ.T.C.  ở Đồng Nai.

Cuộc phẫu thuật thực hiện lúc 9giờ10 trong tình trạng mẹ nhau cài răng lược percreta diện rộng, bàng quang dính với thân tử cung và thành bụng trước, xâm lấn đến thanh mạc tử cung diện rộng khoảng 8 -10cm, cơ tử cung lành còn lại trên 2cm trên cổ tử cung, đoạn dưới tử cung rất nhiều mạch máu tân sinh.

Bác sĩ Bảo Anh cũng cho biết, đây là trường hợp nhau cài răng lược thể nặng, thường phải tiến hành cắt tử cung. Nhưng với kinh nghiệm đã thực hiện rất nhiều ca bảo tồn tử cung trong nhau cài răng lược, các bác sĩ đã quyết định giữ tử cung cho sản phụ. 

Kíp mổ đã tiến hành bóc tách bàng quang khỏi cơ tử cung đoạn dưới, phân lập vùng nhau xâm lấn, rạch ngang đoạn dưới tử cung trên vết mổ cũ, lách giữa cơ tử cung và bánh nhau lên trên, chạm - phá túi ối và đã lấy một bé gái 2600gr.

Ngay sau đó bé gái đã được chuyển sang khoa Sơ sinh để theo dõi, đồng thời các bác sĩ tiến hành xén phần cơ tử cung có nhau xâm lấn sâu, thắt động mạch tử cung, khâu cầm máu diện nhau bám, may mũi B-Lynch ngang bảo tồn tử cung.

“Ca mổ thành công với tổng lượng máu mất chỉ khoảng 0,5lít trên cơ địa của sản phụ thiếu máu nặng do Thalassemia”- BS Bảo Anh nhấn mạnh.

me bau dong nai nhap vien cap cuu, bac si cang nao khi nhin vao tu cung san phu - 1

Chị Đ.T.C. cho biết, bản thân là một bác sĩ sản khoa, chị biết rõ các nguy cơ nghiêm trọng của bệnh lý nhau cài răng lược thể percreta (thể nặng) đối với sản phụ.

Chi C. tâm sự: Vì tình trạng sức khỏe của tôi không tốt - mắc thalassemia bẩm sinh và đã có một lần sinh mổ năm 2016 do thai bất xứng đầu chậu, lần này khám thai, biết được tình trạng bệnh lúc thai 24 tuần, tuy rất lo lắng nhưng bản thân cố gắng không tạo sự căng thẳng cho mình, đồng thời luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ từ phía gia đình và đồng nghiệp để  có được một cuộc sinh nở bình an". 

Theo các bác sĩ, mổ lấy thai không phải là phương pháp sinh an toàn hơn sinh ngả âm đạo như nhiều người vẫn nghĩ. Bản thân tất cả các phương pháp phẫu thuật đều tiềm ẩn những nguy cơ như dị ứng thuốc tê, thuốc mê, nhiễm trùng, tụ máu vết mổ…

Xa hơn nữa, là nhau cài răng lược cho lần mang thai sau vì thai bám sẹo mổ cũ, khuyết hở sẹo mổ lấy thai gây rong huyết, khó khăn trong hỗ trợ sinh sản cho những phụ nữ hiếm muộn…, là những biến chứng khó can thiệp.

me bau dong nai nhap vien cap cuu, bac si cang nao khi nhin vao tu cung san phu - 2

Vì vậy, trước trình trạng mổ lấy thai đang ngày càng trở nên phổ biến trong một bộ phận không nhỏ các sản phụ cùng với quan niệm chọn ngày, giờ “đẹp” cho việc chào đời của bé con đối với không ít gia đình, hậu quả dẫn đến cho sức khỏe các bà mẹ vào những lần mang thai tiếp theo sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Các bác sĩ khuyến cáo cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe cho thai phụ, ở khía cạnh chọn ngả sinh con phù hợp.

Cùng với những khuyến cáo của thế giới, để hạn chế gánh nặng cho ngành sản – phụ khoa cũng như đem lại sự an toàn cho sản phụ khi sinh, tránh được những kết cục xấu cho mẹ và con.

Theo eva.vn

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ