Theo chia sẻ trên trang Sohu, vào ngày 23/7 vừa qua, tại ga đường sắt phía tây Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) xảy ra một câu chuyện gây xôn xao, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người tại đó.
Một bà mẹ tên Han tới đồn cảnh sát của ga Cáp Nhĩ Tân trình bày trường hợp của mình và yêu cầu hỗ trợ. Chị cho biết khoảng 30 phút trước, chị và cậu con trai 5 tuổi tên Lele (tên gọi thân mật) đứng gần ở cổng bán vé của phòng chờ A16-A17. Thế nhưng chỉ một loáng chị đã không thấy con trai mình đâu.
Tìm hoài không thấy, chị nghi ngờ con trai đi lạc hoặc đã bị bắt cóc nên rất mong phía cảnh sát có thể nhanh chóng tìm được con mình. Tâm lý người mẹ lúc đó vô cùng hoảng loạn, bật khóc nức nở.
Ngay lập tức cảnh sát yêu cầu theo dõi camera giám sát và tiến hành trực tiếp tìm hiểu tại hiện trường. Bởi vì hai mẹ con chị Han lúc đó đứng ở góc giám sát khá khuất nên không có manh mối nào giá trị được đưa ra.
Phía cảnh sát ngay lập tức thông báo tới tất cả mọi người và nhờ sự hỗ trợ của hành khách có mặt tại ga. Vài phút sau, một hành khách đã cung cấp manh mối quan trọng cho phía cảnh sát: "Lúc trước, gần cổng bán vé B13-B14, tôi nhìn thấy một cậu bé có đặc điểm như người mẹ mô tả" - người đàn ông cho biết.
Ngay lập tức cảnh sát và cô Han đã đến nơi người đàn ông nhắc đến. Họ khá bất ngờ khi tìm thấy Lele đang nằm ở dưới sàn nhà, phía khoảng cách giữa hai hàng ghế mà không ai hay biết.
Cậu bé chỉ chui ra khi được các cảnh sát viên yêu cầu.
Giải thích cho hành động của mình, Lele thỏ thẻ thú nhận, lúc trước cậu bé có chơi trò "Gấu mèo" với hai người bạn nhỏ khác trong quá trình chờ mẹ mua vé tàu. Trò chơi có luật rằng khi cậu bé đi trốn, người đi tìm gọi tên nhưng nhất quyết không được thưa.
Cứ trốn trong đó cho đến khi người bạn tìm ra được thì thôi, còn nếu để bạn phát hiện thì cậu bé sẽ trở thành người thua cuộc. Đó là lý do Lele đã trốn trong đó hơn 20 phút đồng hồ.
Mặc dù trốn trong đó và không nhìn thấy mẹ đâu nhưng Lele nhất quyết không chịu ra vì sợ bạn sẽ bắt được mình.
Rất may, cuối cùng cậu bé Lele cũng đoàn tụ được với mẹ của mình và phía cảnh sát đã giúp đỡ hai mẹ con cô làm các thủ tục đổi vé để lên tàu thành công.
Câu chuyện được phía cảnh sát lên tiếng cảnh báo, là một bài học dành cho tất cả mọi người. Khi ở ga tàu, bệnh viện hay nơi công cộng, cha mẹ cần để ý đến con trẻ bất cứ lúc nào, đừng để trẻ rời khỏi tầm ngắm vì các bé thường rất hiếu động, nghịch ngợm, chỉ một phút sơ sểnh là bé có thể gặp nạn hoặc mọi người lạc mất nhau.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần trang bị cho trẻ trước các kiến thức, kỹ năng sống khi bị đi lạc để có thể tự mình tìm ra được người thân một cách nhanh chóng nhất.
- Dạy trẻ bình tĩnh, đứng yên tại chỗ: Khi trẻ nhỏ bị lạc, theo bản năng, điều đầu tiên chúng làm là sẽ cố gắng đi tìm ba mẹ. Tuy nhiên, việc đi lại nhiều càng ba mẹ sẽ khó tìm thấy trẻ hơn. Vì vậy, trong bất kỳ tình huống nào, nguyên tắc đầu tiên phải dạy trẻ là đứng yên tại chỗ, đừng cố đi tìm bố mẹ.
- Nhớ địa chỉ và số điện thoại nhà, số điện thoại bố mẹ: Trong tình huống khẩn cấp cần phải liên lạc về nhà, rất nhiều trẻ em lại tỏ ra ngơ ngác khi không biết nhà mình ở đâu số điện thoại như thế nào.
Trẻ em hoàn toàn phải biết địa chỉ nhà của chính mình và số điện thoại nhà. Thậm chí, với thời đại ngày nay, khi các gia đình không có người ở nhà, bé cũng nên nhớ số điện thoại di động của cha mẹ.
Một mẹo hay cho những em bé chưa biết nói, đó là sắm cho con một chiếc vòng tay, chân hoặc vòng cổ có khắc số điện thoại của cha mẹ.
- Tìm những người lớn có thể tin cậy để nhờ trợ giúp: Những người có thể (tạm) tin cậy trong lúc này thường là người già hoặc những phụ nữ có gương mặt hiền lành, đi cùng trẻ em hoặc không.
Một điều nữa mẹ cũng cần phải nhớ, đó là đôi khi trẻ nhỏ quá sợ sệt và rụt rè nên không dám hỏi mọi người xung quanh. Chính vì vậy, khuyến khích con tự tin, mạnh dạn khi bắt chuyện với người lạ cũng là kỹ năng mẹ cần lưu tâm.
- Tránh người nguy hiểm: Trẻ em cần phải biết rằng bé có quyền nói Không và từ chối bất cứ ai nếu bé cảm thấy rằng mình đang không an toàn. Cách tốt nhất là bé nên nói “Không” một cách lịch sự, biết hét lên “Không” khi bị chèo kéo và cần phải tránh xa bất cứ ai có vẻ không an toàn.