Máy tính bảng chạy Android: Bỏ thì thương, vương thì tội

GD&TĐ - Vẫn chiếm tỷ lệ nhất định trên thị trường nhưng các nhà sản xuất và cả chính Google đều tỏ ra không còn mặn mà với máy tính bảng Android.

Máy tính bảng chạy Android: Bỏ thì thương, vương thì tội

Android đang là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới với hàng chục nhà sản xuất góp mặt. Mỗi hãng này hàng năm đều có ít nhất vài ba smartphone mới.

Tuy nhiên, khi nhìn sang thị trường tablet, thật khó giải thích về sự trái ngược. Máy tính bảng chạy Android thị phần thấp, tính cạnh tranh không cao do số lượng mẫu ít, không được đầu tư và phần nhiều thậm chí còn không được người dùng biết tới.

Lý do đầu tiên đến từ việc toàn thị trường đi xuống. Theo số liệu của IDC công bố tháng trước, lượng tablet xuất xưởng toàn cầu trong năm 2017 đã giảm đáng kể so với năm 2016, chỉ còn 165 triệu máy.

Riêng trong quý IV - thời điểm người tiêu dùng mua sắm mạnh nhất trong năm - báo cáo của Strategy Analytics cũng cho thấy mức độ giảm lên tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Google - "cha đẻ" của hệ điều hành Android - có thể viện cớ về việc nhu cầu người dùng với máy tính bảng đã giảm nhiều năm qua.

Nhưng nếu nhìn kỹ vào các con số, Android đã thua iOS mà cụ thể là iPad nhiều năm, kể cả thời kỳ thị trường máy tính bảng thịnh nhất những năm 2013-2014.

Trong bối cảnh toàn thị trường giảm, doanh số iPad vẫn có dấu hiệu phục hồi với 43,8 triệu máy, nắm khoảng 27% thị phần trong năm 2017, theo IDC.

Khảo sát mới nhất với 30.000 người của Androidauthority cũng cho thấy kết quả kém lạc quan với tablet chạy Android. 55% số người được hỏi cho biết chưa từng sở hữu máy tính bảng chạy hệ điều hành của Google và cũng không có ý định mua thiết bị này.

23% cho biết đã có tablet và vẫn dùng tốt, 7% tin rằng nếu mua, một chiếc Chromebook sẽ tốt hơn. Chỉ có khoảng 11% nói có thể mua một chiếc trong năm nay.

Khi máy tính bảng bắt đầu có mặt trên thị trường vào năm 2010-2011, iPad chiếm tới gần 70% thị phần. Máy tính Android sau đó dần lấy lại vị thế trên biểu đồ nhưng không phải vì iPad bán ít đi. Tablet chạy hệ điều hành của Google đánh vào phân khúc tầm trung và giá rẻ - nơi Apple không hiện diện. Chiến lược này vẫn được giữ đến tận bây giờ.

Máy tính bảng Android rơi vào vỏng luẩn quẩn không lối thoát khi thiếu sự đầu tư đồng bộ từ phần cứng lẫn phần mềm. Google không dành sự quan tâm đúng mức cho phiên bản Android trên tablet, các hãng ngại đầu tư những sản phẩm thật sự chất lượng vì sợ bán giá cao không cạnh tranh nổi iPad, doanh số thấp.

Ở phân khúc cao cấp, Samsung là cái tên duy nhất duy trì việc sản xuất những năm qua nhưng thất bại cũng không ít. Các dòng máy Tab Pro, Note Pro đều có doanh số thấp và đã bị khai tử.

Những sản phẩm mang lại mức thị phần 15% và vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng (theo IDC) của Samsung vẫn đến từ các tablet giá rẻ Tab E, Tab A, tầm giá trên dưới 5 triệu đồng.

3 cái tên đứng ngay sau Samsung và Apple là Huawei, Amazon, Lenovo cũng đều chỉ có các tablet giá rẻ, như dòng Tab của Lenovo giá chỉ trên dưới 3 triệu đồng còn Kindle Fire của Amazon cũng ở mức tương tự.

Ý kiến người dùng từ khảo sát của Androidauthority cũng cho thấy những vấn đề mà tablet Android đang gặp phải: "Tôi từng sở hữu một chiếc nhưng sẽ không bao giờ mua lại một thiết bị như thế", "Ai cần một máy tính bảng khi bạn đã có smartphone?", "Tôi sẽ mua một tablet Android khi nó mạnh mẽ, dễ dùng như smartphone. Nhưng khi ấy có lẽ tôi sẽ mua smartphone luôn vì dễ mang theo".

Tablet chạy Android "trú ngụ" ở phân khúc giá rẻ để tránh đối đầu với iPad và hướng đến những người bắt buộc phải lựa chọn chúng không phải vì chúng tốt mà vì chúng phù hợp túi tiền.

Những model này đều có màn hình nhỏ, 7 đến 8 inch, cấu hình trung bình. Và khi smartphone gần đây lớn mạnh với những  model màn hình tới 6 inch giá vài triệu đồng, ngày càng ít người hơn chọn một chiếc tablet.

Asus, Acer, HP, Dell... đều đã rời bỏ thị trường tablet từ lâu trong khi Lenovo, Huawei, dần chuyển hướng thử nghiệm các model chạy Windows.

"Ngôi sao" đáng chú ý nhất là Samsung vẫn duy trì nghiên cứu dòng tablet Android cao cấp, nhưng Samsung sẽ phát triển sản phẩm ra sao khi chính Google gần đây cũng không còn ra bản cập nhật nào đáng chú ý cho Android phiên bản tablet.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.