Đây là điều rất phi lý, bởi tôi nghĩ, cả hai đều đại diện cho những kiểu tình yêu khác nhau và nên có những vị trí riêng trong trái tim của người đàn ông.
Khi chưa kết hôn, tôi đã tự đặt câu hỏi: “Tại sao người vợ và người mẹ phải tranh giành trái tim của người đàn ông?”. Đây là điều rất phi lý, bởi tôi nghĩ, cả hai đều đại diện cho những kiểu tình yêu khác nhau và nên có những vị trí riêng trong trái tim của người đàn ông.
Sau này, khi đã kết hôn, tôi càng hiểu hơn vị trí của một người vợ. Tôi biết chấp nhận cả những điều không như kỳ vọng: Tiếng ngáy của chồng nhiều lần làm tôi tỉnh giấc lúc đêm khuya, những bữa ăn đột xuất của anh cũng khiến tôi bận rộn cả ngày.
Nhiều lúc ấm ức, tôi nghĩ: “Nếu kết hôn với một người khác, liệu cuộc sống của mình có thể khá khẩm hơn không?”. Nhưng cuối cùng, tôi hiểu rằng, tất cả những gì mình đang có đều được lựa chọn bằng trái tim. Có lẽ, thời trẻ mẹ chồng tôi cũng như vậy. Nhìn cách bà lặng lẽ làm việc, chấp nhận và hài lòng với cuộc sống hiện tại, tôi cảm thấy mình đang có một người bạn đồng hành.
Nhờ bà, tôi hiểu rằng, để có một gia đình yên ấm, các thành viên phải dành thời gian cho nhau, nhưng vẫn đảm bảo đủ khoảng cách để không can thiệp thô bạo vào đời sống riêng của nhau.
Có lần, mẹ chồng từng nói với tôi: “Khi con làm bất cứ điều gì, dù là nhỏ bé, nhưng nếu con làm bằng cả trái tim, con sẽ nhìn thấy sự tận tâm bất diệt mà con dành cho đối phương. Khi đó, sự bực dọc, khó chịu, hơn thua trong con sẽ biến mất”.
Từ khi tôi về làm dâu, bà chưa một lần to tiếng, nặng nhẹ với tôi dù có đôi lúc tôi tỏ ra vụng về, thậm chí làm hỏng nhiều việc. Có lần, bà nói với tôi như thể nói với con gái ruột của mình: “Con tuy không khéo léo nhưng được cái ngoan ngoãn, bảo gì nghe nấy và cũng đang cố gắng hết sức để được gọi là dâu đảm”.
Tình cảm của bà làm tôi xúc động và biết ơn vô cùng. Bà cũng là người truyền cảm hứng để tôi muốn mình tốt lên từng ngày. Bà vẫn giữ vai trò đầu bếp chính trong gia đình, giao cho tôi vai trò phụ tá.
Có hôm, đang nấu nướng dở thì có việc phải chạy ù ra ngoài, bà dặn tôi trông nồi nước xương, thấy nó sôi thì nhỏ lửa xuống hộ bà. Tôi ngồi nhìn mãi, chờ mãi mà thấy nước chẳng sôi. Tôi chạy ra sofa, định nằm chợp mắt một lát, 5 phút sau dậy vặn nhỏ bếp. Ai ngờ, 5 phút của tôi biến thành mấy tiếng đồng hồ. Thấy mùi khét, chồng tôi chạy xuống xem mới phát hiện nồi xương cạn khô nước, cháy đen thui.
Sau sự cố không mong muốn ấy, tôi áy náy vô cùng, vì thế tôi càng quyết tâm sửa đổi bản thân. Sau một thời gian được mẹ chồng chỉ dạy, lại chăm chỉ học hỏi, tôi đã biết làm đủ thứ. Vì thế, mẹ chồng tôi có thêm chút thời gian để nghỉ ngơi.
Có hôm tôi mạnh dạn đề xuất thực đơn bữa ăn và thay đổi một số thói quen ăn uống của các thành viên trong gia đình: “Từ ngày mai con sẽ dậy thật sớm để chuẩn bị cơm hộp cho bố và anh Huân mang đi làm. Ăn ở ngoài không đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng đâu ạ!".
Thấy tôi đang hào hứng, mẹ chồng không nói gì. Bố chồng và chồng cũng chỉ biết tủm tỉm cười. Sáng hôm sau, 2 hộp cơm đã được tôi chuẩn bị rất khéo léo và chỉn chu. Tôi còn thể hiện tình yêu đặc biệt với chồng bằng cách xếp những hạt đậu thành hình trái tim, không quên đính kèm thêm một quả trứng luộc kèm lời nhắn đầy ẩn ý được viết bằng tương ớt: “Phần thưởng đặc biệt”.
Buổi trưa hôm đó, tôi vừa ăn vừa thấp thỏm chờ phản hồi của chồng, chắc hẳn khi mở hộp cơm, anh sẽ ngạc nhiên và hạnh phúc lắm. Nhưng chờ đến đầu giờ chiều rồi đến lúc tan tầm vẫn không thấy anh nhắn gì. Bố chồng đi làm về, vừa nhìn thấy tôi, ông đã thủng thẳng: “Không biết bố đã làm được việc gì mà nhận được phần thưởng thế nhỉ”.
Sau này, mỗi khi ai đó nhắc đến tôi, mẹ chồng lại tủm tỉm cười: "Cháu nó hơi đoảng nhưng dễ thương lắm!”.