Máy chiếu “không đồng” của cô giáo lớp 1

GD&TĐ - Xuất phát từ lòng yêu trẻ và yêu thích công việc dạy học, cô Nguyễn Thị Yến đã quyết tâm trở thành giáo viên (GV). Hiện nay, cô Yến là GV “cứng” của Trường Tiểu học thị trấn Quốc Oai A (Quốc Oai, Hà Nội).

Cô Nguyễn Thị Yến ứng dụng máy chiếu đa vật thể bằng smart phone vào tiết dạy của mình.	Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Yến ứng dụng máy chiếu đa vật thể bằng smart phone vào tiết dạy của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giúp HS học âm, vần qua các trò chơi

Cô Yến tâm sự: Từ khi trở thành một người mẹ, một phụ huynh học sinh, cô càng thêm trân trọng và yêu nghề giáo hơn. Cô luôn mong muốn các con của mình “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Chính vì vậy, trong quá trình dạy học, cô luôn tìm tòi, đổi mới và có nhiều sáng kiến nhằm tạo sự hứng thú trong học tập cho HS, đem lại hiệu quả cao trong dạy học.

Được nhà trường phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 1, cô Yến đã tìm hiểu rất kĩ đặc điểm tâm sinh lý của các con HS lớp. Nhận thấy, HS lớp 1 rất hào hứng với hoạt động vẽ và tô màu nên cô đã lồng ghép rất nhiều hoạt động tô màu vào các trò chơi, bài tập của môn học. Nhờ vậy các tiết học diễn ra trong một bầu không khí nhẹ nhàng, thoải mái. HS thật sự say mê và hứng khởi. Cô đã có sáng kiến kinh nghiệm “Một số trò chơi tô màu trong dạy học môn Toán lớp 1” đạt loại C cấp thành phố.

Trong năm học vừa qua, cô cũng đã thiết kế bộ trò chơi trên phần mềm Power point dùng trong việc củng cố phân môn Học vần. Bộ trò chơi này bao gồm rất nhiều trò chơi như: Cùng đi du lịch, Giải cứu công chúa, Bí mật trong lâu đài cổ, Ếch cốm và những người bạn... Điều mà cô giáo tâm đắc với bộ trò chơi này là, mỗi trò chơi đều được lồng ghép trong một câu chuyện. Qua trò chơi, HS sẽ được củng cố về âm, vần đã học. Khi tham gia trò chơi, học sinh như đang hóa thân thành các nhân vật trong câu chuyện.

Máy chiếu đa vật thể bằng smart phone

Một sáng kiến mang lại hiệu quả dạy học rất cao đó chính là sáng kiến sử dụng smart phone như một máy chiếu đa vật thể. Đây cũng một trong những sáng kiến tâm đắc nhất của cô Yến.

“Tôi luôn ước ao có thể mua được cho riêng mình một máy như thế để hàng ngày giúp HS học tập tốt hơn. Tôi tự hỏi: “Liệu mình có thể dùng camera ở điện thoại để quay và chiếu bài của HS không? Với một người không phải “dân IT” như tôi, điều này hoàn toàn không dễ. Mất nhiều thời gian tìm hiểu, tôi đã ứng dụng thành công phần mềm Droidcam để biến chiếc smart phone của mình thành một chiếc máy chiếu đa vật thể.

Đồng nghiệp của tôi đã đặt tên cho nó là máy chiếu đa vật thể “không đồng”. Để mua 1 máy chiếu đa vật thể thì khó nhưng smart phone thì thầy cô nào cũng có. Giờ đây không chỉ HS lớp tôi mà tất cả HS trong và ngoài trường khác hàng ngày, hàng giờ đều được học tập với máy chiếu đa vật thể “không đồng” từ smart phone. Qua mỗi bài học, HS hứng thú và tiếp thu bài tốt hơn” – cô Yến chia vui.

Không chỉ chú trọng dạy kiến thức, cô giáo Nguyễn Thị Yến còn rất chú trọng việc rèn kĩ năng sống cho HS. Cô luôn lồng ghép để HS được tham gia trải nghiệm trong các tiết học cũng như trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, cô đã tổ chức cho lớp mình tham gia trồng rau mầm gây quỹ lớp và ủng hộ các bạn HS có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này giúp HS có kĩ năng về chăm sóc và thu hoạch rau đồng thời GD các con biết chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.