Các bức ảnh này được một hành khách Trung Quốc - Nhân viên Ngân hàng Minshen ở Bắc Kinh - chụp từ trên một chiếc máy bay khác của Hàng không Malaysia bay từ Bắc Kinh đã hạ cánh an toàn ở Kuala Lumpur sáng cùng ngày.
Người này cho biết đã chụp được những bức ảnh đó từ trên cửa sổ máy bay ở độ cao 11.000 m vào khoảng 6 giờ 45 (giờ địa phương) sáng 9/3.
Tuy nguồn gốc những mảnh vụn trong ảnh vẫn chưa được xác định nhưng địa điểm của chúng khá phù hợp với nơi chiếc máy bay mất liên lạc.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia vẫn đang tranh luận về nguyên nhân khiến chiếc máy bay mất tích. Một số người cho rằng một vụ nổ trên máy bay có thể là nguyên nhân dẫn đến thảm họa.
Ngay trước khi gặp nạn, chiếc máy bay có thể đang bay ở chế độ lái tự động bởi đây là giai đoạn bay an toàn nhất của cả chuyến bay. Một cựu phi công của hãng hàng không Malaysia cho hay:
“Có thể đã xảy ra vụ nổ, vụ sét đánh hoặc sự cố giảm áp đột ngột. Chiếc máy bay này có thể vẫn tiếp tục bay sau khi bị sét đánh trúng hoặc bị giảm áp nghiêm trọng. Nhưng nếu xảy ra vụ nổ thì máy bay không có cơ hội nào".
Ông John Goglia - Cựu thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ - cho rằng sự cố mất áp suất đột ngột và nghiêm trọng trong buồng lái có thể gây ra vụ nổ giảm áp và làm vỡ máy bay. Việc giảm áp có thể bị gây ra bởi sự ăn mòn kim loại hoặc kim loại trong khung máy bay mất khả năng chống đỡ.
Các giai đoạn được xem là nguy hiểm nhất của một chuyến bay là hạ cánh và cất cánh. Rất hiếm khi máy bay gặp sự cố trong quá trình bay. Chỉ khoảng 9% tai nạn chết người xảy ra khi máy bay đang bay, theo bảng thống kế của hãng Boeing về các sự cố máy bay.
Chính vì vậy các chuyên gia cho rằng một sự cố nào đó đã diễn ra quá nhanh đến nổi phi công của máy bay không kịp liên lạc với trạm kiểm soát không lưu.
Paul Hayes - Giám đốc ban an toàn tại hãng tư vấn hàng không Ascend Flightglobal - cho biết: “Đây là một vụ mất tích vô cùng khác thường”.